Tôi chứng kiến nhiều trường hợp vừa nhìn thấy chốt CSGT đo nồng độ cồn, thì ngay lập tức quay đầu xe, chạy ngược trở lại, dù đó đang là đường một chiều.
Có trường hợp bị CSGT tuýt còi, yêu cầu vào thổi nồng độ cồn, thì họ "thông chốt", không chấp hành hiệu lệnh, rồ ga, lạng lách, chạy rất nhanh. Tôi rất sợ bị họ tông vào xe mình hoặc gây tai nạn cho người đi đường, hoặc cho chính CSGT.
Quy định pháp luật sao về trường hợp trên? Gặp CSGT mà "thông chốt" thì bị xử lý thế nào, và nếu gây ra tai nạn giao thông thì bị xử lý sao? Nếu họ thoát được chốt, không phải đo nồng độ cồn, hoặc CSGT không đuổi theo nhưng nếu bị camera giao thông ghi lại hình ảnh, thì có bị xử lý không?
Bạn đọc Phan Hải.
Luật sư tư vấn
Luật sư Chu Văn Hưng (Văn phòng luật sư Tâm Trí, TP.HCM) tư vấn:
Theo điều 10 Thông tư số 32 năm 2023 của Bộ Công an, CSGT có thể kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông hoặc tại trạm CSGT. Khi tuần tra, kiểm soát, CSGT sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (camera) được trang bị để ghi hình quá trình kiểm soát.
Tại điều 17 Thông tư số 32 còn quy định, người điều khiển phương tiện giao thông khi nhận được tín hiệu của CSGT phải giảm tốc độ và dừng xe vào vị trí theo hướng dẫn.
Trường hợp người uống rượu bia, khi bị CSGT ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra, nếu họ không chấp hành hiệu lệnh, rồ ga, lạng lách, phóng nhanh vượt ẩu…, thì sẽ gây nguy hiểm cho chính họ và những người đi đường.
Do đó, ngoài việc bị xử phạt về vi phạm nồng độ cồn, người vi phạm còn có thể bị xử phạt thêm nhiều lỗi khác. Cụ thể, căn cứ vào điều 5, điều 6 Nghị định 100 năm 2019 và điều 2 Nghị định 123 năm 2021, người vi phạm khi tham gia giao thông bị xử lý như sau:
Xem nhanh 12h ngày 30.1: Đề xuất tăng mức phạt vi phạm nồng độ cồn
Đối với người chạy mô tô không chấp hành hiệu lệnh của CSGT sẽ bị phạt từ 800.000 - 1 triệu đồng (phạt từ 4 - 6 triệu đồng đối với ô tô), tước giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.
Người nào chạy mô tô không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn sẽ bị phạt từ 6 - 8 triệu đồng (còn ô tô bị phạt từ 30 - 40 triệu đồng) và bị tước giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng.
Nếu người nào chạy mô tô quá tốc độ từ 5 km đến dưới 10 km sẽ bị phạt từ 300 - 400 đồng, ô tô bị phạt từ 800.000 - 1 triệu đồng.
Người nào chạy mô tô ngược chiều, bị phạt từ 1 - 2 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng; riêng ô tô bị phạt từ 4 - 6 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng.
Người nào chạy mô tô lạng lách, đánh võng sẽ bị phạt từ 6 - 8 triệu đồng, còn ô tô bị phạt từ 10 - 12 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng.
Ngoài ra, người nào có hành vi cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra, có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của CSGT thì có thể bị phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng (điều 21 Nghị định 144 năm 2021).
Nếu người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực; gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của cảnh sát giao thông; đưa tiền hối lộ thì có thể bị phạt từ 6 - 8 triệu đồng (điều 21 Nghị định 144). Tuy nhiên, tuỳ theo tính chất, mức độ, người có hành vi chống người thi hành công vụ có thể bị xử lý hình sự về tội chống người thi hành công vụ, khung hình phạt cao nhất của tội này lên đến 7 năm tù (theo điều 330 bộ luật Hình sự).
Bỏ luôn xe vì lỗi vi phạm nồng độ cồn, sẽ bị phạt thế nào?
Ngoài ra, việc "thông chốt" nếu gây tai nạn làm chết người, hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, hoặc thiệt hại tài sản từ 100 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý về tội "vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ". Ở tội danh này có khung hình phạt lên đến 15 năm tù (điều 260 bộ luật Hình sự).
Đặc biệt, trường hợp thoát được chốt CSGT để tránh thổi nồng độ cồn, nhưng nếu có camera ghi hình lại thì người vi phạm vẫn bị xử phạt theo điều 15 Nghị định 135 năm 2021.
Bình luận (0)