Một lần nào đó, Phạm Phú Hải đã nói:
Vậy nếu nghe tôi phải nghe bằng tai sóng đánh
Phải nghe bằng tai gió quất bằng tai mưa đâm
Phải nghe bằng tai sấm tát bằng tai sét bằm bão chẻ.
Thế nhưng khi đọc Phạm Phú Hải, tôi lại nghĩ rằng, cần một khoảng không thanh tĩnh, một khoảnh khắc thanh tĩnh và nhất là, một trạng thái tâm hồn thanh tĩnh mới có thể đến được nơi ông, mới có thể nghe ra tiếng nói của con người: Tôi vọng tiếng tôi về núi đá/Núi đá ngàn năm vẫn lặng im/Mấy ai hiểu được hồn ưu uất/Của kẻ qua sông tự thả chìm; con người: Một năm có bốn mùa nhưng tôi biết có một mùa thứ năm/Không gian có bốn phương nhưng tôi biết có một phương thứ năm/Tôi đang sống/Trong mùa phương không tên đó.
Đọc Phạm Phú Hải tôi bỗng nhớ đến câu chuyện của nhà thơ Mỹ nọ. Ông kể rằng, vào một đêm khuya, trong căn phòng đơn sơ của mình, ông đã nghe thấy tiếng sáo cô đơn, buồn bã với hơi thở bứt rứt của con người đang sống. Ông quả quyết rằng, tiếng sáo mà ông nghe thấy là tiếng của một nhà thơ nào đó thổi vọng lên từ đáy hố của riêng mình.
Tôi đang lắng nghe Phạm Phú Hải, lắng nghe bài ca thổi từ chiếc sáo được làm bằng chính xương cốt của nhà thơ: Ta về chép lại chiêm bao/Đốt câu thơ cũ bỏ vào ống xương. Qua Phạm Phú Hải, tro bụi những giấc mơ đã hồi sinh thành hàng ngàn bài thơ mang chứa một vẻ đẹp riêng biệt.
***
Sống trong Mùa phương không tên, Phạm Phú Hải đã vượt thoát khỏi những giới hạn của thời gian, của không gian. Phạm Phú Hải có thể: Bước nhịp nhàng theo mây trắng xum xuê/ Hái nửa trời cao cười lạc bước về, có thể: Thử buông tay thả người lơ lửng/Ở giữa thinh không lại ngủ quên, có thể: Lay tỉnh thời gian bằng thuốc độc/Hú hồn cho sống dậy giấc mơ xưa...
Sống trong Mùa phương không tên, Phạm Phú Hải hòa vào tự nhiên như thể ông là một trong những núi non, sông suối, cỏ cây, chim muông, cầm thú. Ông gọi nắng và nghe nắng gọi, ông nghe núi khóc tiếng lệ chứa chan, ông nhìn thấy mây tươi non cúi tạ người, ông nhận ra mình trong lớp vỏ cây, trong vệt phân chim/Trong cánh hoa rơi, trong phiến mây bay, ông chấn động vì cái chết của một con bướm nhỏ: Những con bướm đã chết đang sợ hãi/Đã chết vào mùa thu/Đang sợ hãi trong trí tưởng tượng tôi/Như thể tôi là con bướm/Đã chết vào mùa thu.
Phạm Phú Hải sinh năm 1950 tại Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam. Với hàng ngàn bài thơ, Phạm Phú Hải được bạn bè và nhiều người yêu thơ coi là một thi sĩ xuất chúng. Thanh Niên giới thiệu bài viết của nhà thơ Ý Nhi cho tập thơ Một hôm núi khóc của ông cùng 3 bài thơ rút từ tập này. |
***
Hình ảnh một người Quảy gánh đi lên núi trở đi trở lại nhiều lần trong thơ Phạm Phú Hải. Hình ảnh đó hư nhiều hơn thực. Nó giống như một ước vọng, một khao khát của con người: Rơi mãi ta rơi từ năm nọ/Chiều nay ngồi im nhìn mây bay/Ta nghe gió ta nghe vài hoa rụng/Ta thèm cho đời ta một gốc cây.
Nhưng cái gốc cây mà ông ao ước chỉ có thể có ở cõi người. Bao lần người Gánh thời gian lên đỉnh núi cũng chỉ là để Gửi về cho một cõi người xa, cũng chỉ là để hỏi Hiểu nhau đời có bao tri kỷ.
Những câu hỏi riết róng, những nỗi vui, niềm đau chồng chất nơi cõi người của Phạm Phú Hải. Biết bao lần buồn đắng ruột/Miệng huyên thuyên nói chuyện với hai tai, bao lần Hoàng hôn tắt lửa vui mà khóc/Nên khuya khuya vô cớ bỗng cười, bao lần Hồn gượng đau đứng suốt đêm dài, bao lần thốt kêu lên: Mẹ ơi, con là cột của nhà không lợp mái...
Những bài thơ như Thanh xuân, Không đề, Lời của người tình điên, Nắng trong mưa, Họa, Xuân, Ông cụ mù, Cho lênh đênh theo thời gian, Ta ở phương Đông buồn mặt trời, Đại xá, Uyên viên... trĩu nặng tình yêu cõi người - trĩu nặng đến độ sức người không mang chứa nổi, đến độ người phải đem cả thịt xương mình làm vật dụng chống đỡ: Ta rút xương làm gậy chống đi/Lột da chân mà kết làm giày/Bứt ngàn sợi tóc đan làm mũ/Nấu chín thời gian uống thật say.
***
Dường như Phạm Phú Hải không mấy quan tâm đến hình thức. Ông chỉ cốt sao nói được điều mình muốn nói. Trong ngôi nhà cổ điển của thơ ngũ ngôn, thất ngôn, lục bát, thất ngôn bát cú, ông đã bày ra thế giới Phạm Phú Hải - thế giới phát sáng từ chính tâm hồn ông.
Ông già mù của Phạm Phú Hải Sờ soạng thời gian mịn màng, Ra vào tâm can và nghe dưới chân mình Tiếng thời gian sột soạt.
Người họa sĩ của Phạm Phú Hải Hòa rượu vẽ tranh người.
Rượu của Phạm Phú Hải được ngâm với Vài lượng da trời.
Bò của Phạm Phú Hải Cất tiếng ho, núi của Phạm Phú Hải Khóc, bức tường của Phạm Phú Hải biết sợ hãi: Mỗi khi ngồi quay mặt nhìn vào sát tường/Tôi tưởng tượng bức tường là tôi/Và tôi tưởng tượng tôi là bức tường/Tôi nghĩ chắc bức tường sợ hãi lắm.
***
Trí tưởng tượng kỳ lạ của Phạm Phú Hải giúp thơ ông đạt đến tự do và sự tự do của ông giúp cho trí tưởng tượng thêm giàu có, phong phú. Sức mạnh của sự kết hợp này đương nhiên không thể tính bằng phép cộng. Và vì vậy, cũng khó có sự so sánh.
Chỉ có Phạm Phú Hải mới có nỗi buồn làm "rụng hết ngón chân", chỉ có Phạm Phú Hải mới đào mộ "chôn cỏ xanh và chôn tiếng chim", chỉ có Phạm Phú Hải Ngồi nuốt bóng tối/Tôi ngồi nuốt hết bóng tối, chỉ có Phạm Phú Hải mới có thể Tôi nâng hết tất cả/Trên hai bàn tay tôi, chỉ có Phạm Phú Hải mới có thể, chỉ có ông: Lỡ cầm địa ngục trên tay/Đốt lên làm đuốc soi ngày soi đêm.
Cuộc tìm kiếm của Phạm Phú Hải là bất tận. Qua thơ, ông chỉ có thể bày một phần thế giới của mình.
***
Đến với thơ Phạm Phú Hải là đến với một thân phận, một tâm hồn, đến với lời nhắn gửi: Cho tôi nói với những hồn đồng điệu/Rằng hãy nhìn tôi với ánh mắt êm đềm.
Sài Gòn, chiều 5.5.2009
Ý Nhi
A, AA, AAA, AAAA, AAAAA... Lạnh mùa thu ở trong núi đá Có một thư sinh lên núi đá Có lão tiều phu trong núi đá Trăng khuyết xuôi trăng tròn Xuất định bốn bề sương giọt giọt Chẳng đến đâu chẳng từ đâu đến Không ở đâu không đâu chẳng ở Mùa thu núi đá lạnh vô cùng. Thi sĩ Có bàn chân dài hơn con đường Ngủ cũng có đôi khi mở mắt Đi một mình đứng lại một mình Trăng cho du tử màu thi sĩ Nhạn gọi én xa mùa bước biệt Tưởng tượng Mỗi khi ngồi quay mặt nhìn vào sát tường Mỗi khi ngồi quay mặt nhìn vào sát tường Mỗi khi ngồi quay mặt nhìn vào sát tường Mỗi khi ngồi quay mặt nhìn vào sát tường Tôi. Phạm Phú Hải |
Bình luận (0)