Quấy rối tình dục nơi làm việc: Bạn có từng là nạn nhân?

26/05/2015 07:30 GMT+7

(TNO) Bộ Quy tắc ứng xử về Quấy rối tình dục (QRTD) tại nơi làm việc được Bộ LĐ-TB-XH công bố, áp dụng cho tất cả doanh nghiệp chỉ ra nhiều hành vi được xem là QRTD như: cố tình đụng chạm không mong muốn, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp, hay hôn cho tới tấn công tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm.

(TNO) Bộ Quy tắc ứng xử về Quấy rối tình dục (QRTD) tại nơi làm việc được Bộ LĐ-TB-XH công bố, áp dụng cho tất cả doanh nghiệp chỉ ra nhiều hành vi được xem là QRTD như: cố tình đụng chạm không mong muốn, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp, hay hôn cho tới tấn công tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm.

Ảnh minh họa: Shutterstock
Theo đánh giá của Bộ quy tắc ứng xử này, QRTD tại nơi làm việc không chỉ gây ra tâm lý lo lắng, căng thẳng cho nạn nhân mà còn làm ảnh hưởng xấu tới môi trường làm việc, khiến cho hiệu suất và năng suất lao động giảm sút.
Bộ Quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc phần nào sẽ giúp chủ sử dụng lao động, người lao động và bản thân mỗi người nhận diện và phòng chống hành vi QRTD tại công sở.
Thế nào là quấy rối tính dục?
Theo các chuyên gia về lao động, QRTD là hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của nữ giới và nam giới, đây là hành vi không được chấp nhận, không mong muốn và không hợp lý làm xúc phạm đối với người nhận và tạo ra môi trường làm việc bất ổn, đáng sợ, thù địch và khó chịu.
Tuy nhiên, cũng có những hành vi QRTD “trao đổi” (nhằm mục đích đánh đổi) diễn ra khi người sử dụng lao động, người giám sát, người quản lý, đồng nghiệp thực hiện hay cố gắng thực hiện nhằm gây ảnh hưởng đến quy trình tuyển dụng, thăng chức, đào tạo, kỷ luật, sa thải, tăng lương hay các lợi ích khác của người lao động để đổi lấy sự thỏa thuận về tình dục.
Hình thức tồi tệ nhất của hành vi QRTD là những hành vi tấn công có tính chất tình dục hoặc hiếp dâm được quy định trong pháp luật xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật hình sự.
Trong trường hợp người sử dụng lao động không có quy định hay bắt cứ quy chế, nội quy nào về QRTD tại nơi làm việc, người lao động nên liên hệ với người quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức công đoàn cơ sở, tổ chức công đoàn cấp trên cơ cơ hoặc đại diện người lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam để khuyến nghị xây dựng quy định. Bộ LĐ-TB-XH, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ, khuyến khích người sử dụng lao động trong việc xây dựng quy định về phòng, chống QRTD.
Cấu véo cũng bị coi là QRRD
QRTD tại nơi làm việc có thể là hành vi liên quan đến thể chất, lời nói hoặc phi lời nói, cụ thể:
QRTD bằng hành vi mang tính thể chất như tiếp xúc, cố tình đụng chạm không mong muốn, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp, hay hôn cho tới tấn công tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm.
QRTD bằng lời nói gồm các nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa và không được mong muốn bằng những ngụ ý về tình dục như những truyện cười gợi ý về tình dục, những nhận xét về trang phục hay cơ thể của một người nào đó. Hình thức này bao gồm cả những lời đề nghị và những yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục.
QRTD bằng hành vi phi lời nói gồm các hành động không được như mong muốn như ngôn ngữ cơ thể khiêu khích, biểu hiện không đứng đắn, cái nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, các cử chỉ của ngón tay…hình thức này bao gồm việc phô bày các tài liệu khiêu dâm, hình hảnh, vật, màn hình máy tính, áp phích, thư điện tử, ghi chép, tin nhắn liên quan tới tình dục.
Cách phòng, chống các hành vi QRTD
Để phòng chống có hiệu quả hành vi QRTD tại nơi làm việc, người sử dụng lao động cần ban hành các quy định nhằm thúc đẩy, thực hiện và giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về QRTD, để đưa vào nội quy lao động, thỏa ước tập thể hoặc các quy chế, quy định hợp pháp của doanh nghiệp.
Nếu người lao động cho rằng mình là mục tiêu của hành vi QRTD, họ nên thông báo cho người bị cho là thực hiện hành vi QRTD thông qua lời nói, văn bản rằng không được xúc phạm và phải dừng ngay hành vi đó.
Trường hợp, người lao động không muốn trao đổi trực tiếp với người bị cho là thực hiện hành vi QRTD, hoặc nếu việc trao đổi đó không hiệu quả, người lao động được khuyến khích báo cáo các hành vi không mong muốn càng nhanh càng tốt cho các phòng ban, đơn vị có trách nhiệm.
Ngoài việc báo cáo mối quan ngại về QRTD cho các cấp lãnh đạo, người lao động có thể lựa chọn cách giải quyết thông qua các kênh không chính thức như: hòa giải, trung gian, trao đổi không thức thức hoặc đề nghị điều tra chính thức.
Người sử dụng lao động phải có hành động ngay lập tức khi xuất hiện bất cứ cáo buộc nào về QRTD, đảm bảo người được cho là nạn nhân không sợ bị trả thù hoặc cảm thấy yêu cầu của họ bị lờ đi hay bị coi thường.
Có thể bị xử lý hình sự vì quấy rối tình dục
Mọi hành vi QRTD đều là hành vi vi phạm pháp luật, cần phải phòng, chống và lên án, phải được điều tra, xác minh và bị xử lý kịp thời, tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi QRTD.
Căn cứ tính chất, mức độ của hành vi QRTD đến mức đáng kể được quy định trong Bộ luật Hình sự (nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng) đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử lý theo pháp luật hình sự về các tội tương ứng như: tội cưỡng dâm, tội hiếp dâm…phát hiện hành vi này phải báo cáo ngay cho các cơ quan điều tra hình sự (công an, cơ quan có thẩm quyền khác…)
Hành vi QRTD chưa đến mức xử lý hình sự, có thể xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính, pháp luật lao động…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.