'Quay xe' làm nông dân, chàng đạo diễn thu 'trái ngọt'

30/08/2023 07:59 GMT+7

Rời xa sự hào nhoáng, xô bồ của lĩnh vực giải trí, trở về gắn bó với đồng đất, với cây sâm bố chính, Vũ Anh Nam (29 tuổi), người sáng lập, Tổng giám đốc Công ty Phúc Lâm Organic, đã từng bước chạm tới ước mơ thực sự là làm điều gì đó đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng.

"Trái ngọt" đầu tiên

Lần đầu gặp Vũ Anh Nam, tôi lưu lại ấn tượng về một chàng trai Hà Thành nhẹ nhàng, ấm áp, cảm giác về người trải qua cuộc sống khá bình yên. Thế nhưng, miên man giữa những câu chuyện của Nam khi có cơ hội tiếp xúc lâu hơn, tôi đã đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác về cú "quay xe" trong nghề nghiệp và những ước vọng quyết liệt mà chàng thanh niên đó ấp ủ khi xác định gắn bó dài lâu với đồng đất, với cây sâm bố chính.

'Quay xe' làm nông dân, chàng đạo diễn thu 'trái ngọt' - Ảnh 1.

Vũ Anh Nam (đứng giữa) tại buổi lễ ra mắt bộ sản phẩm chăm sóc tóc với nhãn hiệu LASAM

NT

Vốn tốt nghiệp Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, chuyên ngành đạo diễn, Nam có thời gian dài làm việc với vai trò người quản lý nghệ sĩ và tham gia sản xuất các chương trình tại TP.HCM. Môi trường hào nhoáng, nhiều sức hút đó cũng không lấp nổi nỗi trống trải trong lòng. Trong thẳm sâu, thi thoảng Nam vẫn trăn trở, với sức trẻ, liệu mình có thể làm điều gì đó đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng hay không?

Trùng hợp thay, thời điểm Nam có phần chênh vênh với con đường mình đang đi, muốn chuyển hướng cũng là lúc mẹ Nam, bà Uông Thị Tuyết Nhung, Giám đốc HTX nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm (xã Thanh Mỹ, T.X Sơn Tây, Hà Nội), đầu tư nhiều tâm huyết, ấp ủ muốn tạo ra một sản phẩm có ích cho sức khỏe cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế địa phương từ cây sâm bố chính. Không chần chừ, Nam quyết định "quay xe" ra bắc, đồng hành cùng mẹ trong chặng đường dài.

Trải qua quá trình làm việc với khoảng hơn 120 hộ dân tại xã Thanh Mỹ, Nam cũng thuê được hơn 5,3 ha để sẵn sàng cho việc xuống giống, đảm bảo có vùng canh tác sâm hữu cơ đủ lớn theo ý định. Tháng 8.2020, những cây sâm bố chính đầu tiên được gieo trồng trên đồng đất Sơn Tây.

Để trở thành một "người nông dân" đúng nghĩa, gắn bó, say mê với đồng đất, có thể am hiểu sự phát triển của cây sâm từng ngày không phải điều đơn giản với Nam. Nghiêm túc tham gia các lớp học về kỹ thuật canh tác cây sâm, tìm hiểu những loại dịch bệnh cây có thể gặp phải, mùa vụ trồng ra sao để phù hợp với điều kiện thời tiết ngoài bắc…, với sự giúp đỡ của Bệnh viện Cây trồng (Học viện Nông nghiệp Việt nam) là cách mà chàng trai đó từng bước kéo gần khoảng cách với "nghề nông".

Sau 9 - 10 tháng trồng, ở mùa vụ đầu tiên, HTX nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm thu về nhiều "trái ngọt". Sản phẩm củ sâm, một phần được xuất khẩu theo đơn hàng đặt trước, một phần HTX giữ lại phục vụ công tác nghiên cứu, chế biến sâu. Hoa sâm cũng được HTX thu hoạch, chế biến thành trà sâm. Nếu canh tác và đầu ra thuận lợi, ước tính mỗi ha trồng sâm bố chính có thể thu về khoảng 700 - 800 triệu đồng/vụ/năm.

Xuyên suốt cuộc nói chuyện, Nam thi thoảng vẫn nhắc lại, tài chính và tâm huyết bỏ ra cho cây sâm từ đầu đến giờ khó mà đong đếm được, nhưng tiền không phải là mục tiêu cao nhất trong câu chuyện. Điều khiến cả Nam và mẹ tâm đắc hơn cả là hoạt động của HTX đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, từ đó cải thiện cuộc sống cho người dân địa phương, đồng thời mở ra hướng mới phát triển cây sâm bố chính.

"Trước đây, trên diện tích đất đó, bà con chủ yếu chỉ trồng sắn, thu nhập khoảng 10 - 15 triệu đồng/sào. Từ khi liên kết trồng sâm với HTX, thu nhập ổn định của bà con khoảng 3 - 4 triệu đồng/người/tháng; chưa kể vào thời điểm mùa vụ, HTX cũng tạo việc làm cho lượng lớn lao động địa phương", Nam hồ hởi chia sẻ.

Đa dạng hóa, nâng cao giá trị cây sâm

Mùa vụ đầu tiên khá thành công qua đi, khó khăn ập đến khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh vào năm 2021. Chính bản thân Nam cũng mắc Covid-19 và phải cách ly.

Giữa thời điểm cách ly đó, phải đa dạng hóa, hướng tới các sản phẩm chế biến sâu từ sâm là suy nghĩ nhen nhóm lên trong Nam. "Em muốn nâng cao giá trị cây sâm, đem tới nhiều sản phẩm thực sự chất lượng cho người tiêu dùng trong nước, cũng như hướng tới dựng xây thương hiệu sâm Việt tại thị trường nước ngoài", Nam nói.

'Quay xe' làm nông dân, chàng đạo diễn thu 'trái ngọt' - Ảnh 2.

Liên kết trồng sâm với HTX nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm giúp nhiều hộ dân có thu nhập ổn định, cải thiện đời sống

AN

Nghĩ là làm, Nam ngay lập tức tích cực tham gia nhiều khóa học online về nông sản hữu cơ, các nguyên liệu hữu cơ, quy trình, nguyên lý chăm sóc sức khỏe, chăm sóc da và tóc từ sản phẩm hữu cơ...

Nam thậm chí đã mạnh dạn đăng ký xây dựng một dự án sản xuất thử nghiệm sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ sâm bố chính (kết hợp với Trung tâm Giống cây trồng thuộc Viện Dược liệu, Viện Môi trường nông nghiệp và Viện Khoa học các hợp chất thiên nhiên) với vai trò là chủ trì dự án. Dù thất bại trong quá trình bảo vệ online khi dự án không được hội đồng thông qua, Nam vẫn không bỏ cuộc, tự bắt tay vào sản xuất.

Đem sản phẩm thử nghiệm tặng cho bạn bè thân quen, đồng thời cũng là những người tiêu dùng được Nam đánh giá khó tính, nhận về phản hồi tích cực, Nam và cộng sự mới có động lực để làm tiếp.

Bước ngoặt tiếp theo trong hành trình gắn bó với cây sâm của Nam là tháng 11.2022, Công ty Phúc Lâm Organic chính thức ký hợp đồng hợp tác phát triển sản phẩm với Viện Nghiên cứu vi tảo và dược mỹ phẩm (Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Theo đó, viện có trách nhiệm nghiên cứu, công ty nhận chuyển giao quy trình, sản xuất sản phẩm.

Qua nhiều nỗ lực, ngày 12.8 vừa qua, Nam và các cộng sự đã cho ra đời bộ sản phẩm chăm sóc tóc cao cấp chiết xuất từ sâm bố chính với nhãn hiệu LASAM. "LASAM có thể hiểu đơn giản là "là sâm", nhưng nó cũng mang ý nghĩa như một món quà từ đất mẹ", Nam nói và chia sẻ về định hướng trong tương lai, sau dòng sản phẩm đầu tiên về chăm sóc tóc, Phúc Lâm Organic muốn tạo ra bộ sản phẩm chăm sóc cá nhân một cách toàn diện từ sâm bố chính như kem dưỡng da, mặt nạ, sữa rửa mặt, sữa tắm…

Trước mắt, các dòng sản phẩm có thể đưa sản phẩm chất lượng từ nguồn nguyên liệu bản địa đến tay người tiêu dùng Việt Nam. Trong dài lâu, Nam và những cộng sự ấp ủ lan tỏa thương hiệu sâm Việt trên thị trường quốc tế.

"Mở rộng vùng nguyên liệu, mở một khu trải nghiệm để mọi người có thể tới tham quan thực tế, hình dung ra toàn bộ quá trình trồng, chăm sóc, chế biến sâm ra sao… cũng là điều mà em ấp ủ thực hiện trong thời gian tới", Nam nhấn mạnh.

Sâm bố chính hay còn gọi là sâm thổ hào, sâm núi là sản vật quý, xưa kia được người dân dùng tiến vua, chúa. Sâm bố chính có vị ngọt, tính mát. Theo y học cổ truyền, sâm bố chính có một số tác dụng chính như: điều trị ho, tác dụng hạ sốt, bồi bổ cơ thể, tăng cường chức năng tiêu hóa, điều hòa kinh nguyệt, hỗ trợ điều trị ung thư… Theo các nhà khoa học, sâm bố chính có dược tính cao, được cho là tương đương nhân sâm Hàn Quốc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.