Theo UBND huyện, kế hoạch nhằm mục tiêu đưa du lịch Bố Trạch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành du lịch; tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và cộng đồng dân cư, tăng nguồn thu ngân sách; tạo tiền đề cho các ngành kinh tế khác phát triển.
Tiếp tục khẳng định Bố Trạch - Quảng Bình trở thành điểm đến du lịch hàng đầu tại Việt Nam và trung tâm du lịch mạo hiểm của khu vực Đông Nam Á.
Cụ thể, Bố Trạch phấn đấu, số lượng khách du lịch tăng bình quân từ 10 - 12%/năm; đến năm 2025, du lịch Bố Trạch đón hơn 1,5 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 400 tỉ đồng. Hình thành các trạm dừng chân, khu trưng bày, bán các sản phẩm lưu niệm gồm chuỗi các sản phẩm nông nghiệp, các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề truyền thống như: cà gai leo, sâm bố chính, nấm Tuấn Linh, dầu lạc, dầu mè, rượu Gia Hưng, Vạn Lộc, bánh gai, bánh xèo, hải sản khô, nước mắm Đức Trạch, Nhân Trạch... tại trung tâm đô thị Hoàn Lão, Phong Nha, Nông trường Việt Trung…
Đồng thời xây dựng đề án Làng văn hóa du lịch Cự Nẫm, Làng du lịch Bồng Lai nhằm xâu chuỗi các sản phẩm du lịch như cơ sở lưu trú, các điểm dừng chân, vườn hoa, khu vui chơi, trải nghiệm, các làng nghề truyền thống trong địa bàn trên cơ sở khai thác các lợi thế sẵn có về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa bản địa, các sản phẩm nông nghiệp nhằm đa dạng hóa sản phẩm, bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của cư dân nơi đây.
Bên cạnh đó, huyện chú trọng tiếp tục phát huy thế mạnh du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng: bao gồm du lịch cảnh quan (tham quan thắng cảnh tự nhiên, động Phong Nha, động Tiên Sơn, động Thiên Đường, hang Én...); du lịch sinh thái gắn với hoạt động bảo tồn (suối Nước Moọc, sông Chày - hang Tối, thung lũng Sinh Tồn, thác Gió,…); du lịch nghiên cứu khoa học, quan sát động vật hoang dã…
|
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: Bố Trạch hành động xây dựng các sản phẩm ở đây đảm bảo tính mới lạ, độc đáo không “rập khuôn’’ sao chép các nơi khác mà sản phẩm đó là “chỉ duy nhất có ở Phong Nha” nhằm tạo sự hấp dẫn và thu hút du khách.
Ngoài ra, là một địa phương sở hữu thiên nhiên, thắng cảnh tuyệt vời, có rừng, có biển, sông ngòi, hang động, thì việc phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với các nét văn hóa độc đáo của các tộc người như: lễ hội cầu ngư, múa bông chèo cạn, lễ hội đập trống có những thuận lợi không nhỏ.
Huyện cũng kêu gọi, khuyến khích đầu tư phát triển loại hình du lịch bằng thuyền, các loại hình dịch vụ trên biển như: lướt ván, mô tô nước, dù bay, thuyền buồm, câu mực tại các bãi biển như Đá Nhảy, Trung Trạch, Nhân Trạch, Đức Trạch.
Dĩ nhiên, quê hương Bố Trạch còn rất nhiều “địa chỉ đỏ” là những di tích lịch sử nổi tiếng, ghi dấu những chiến công hiển hách của quân và dân: như đường 20 Quyết Thắng, hang Tám Cô... Đến với Bố Trạch, cũng là hành trình về nguồn.
Bình luận (0)