Sự kiện quy tụ hơn 200 chuyên gia, nhà khoa học, chuyên gia dinh dưỡng, đại diện doanh nghiệp từ 20 quốc gia khắp 5 châu lục… tham gia, thảo luận các vấn đề liên quan đến dầu gạo
Dầu gạo Việt lên bàn nghị sự quốc tế
Từ nhiều năm nay Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, về mặt thương phẩm và giá trị xuất khẩu vẫn lép vế so với các quốc gia lúa gạo khác. Một trong những lý do là chưa đa dạng các sản phẩm giá trị gia tăng từ gạo.
Trong các sản phẩm giá trị gia tăng, dầu gạo là một trong những hướng đi được cho là tiềm năng bởi có giá trị xuất khẩu cao, trong nước có sẵn nguồn nguyên liệu, nhân công… Trên thế giới, ngành công nghiệp này cũng đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Vì thế hội nghị nhận được sự mong chờ, quan tâm và tham dự của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Cụ thể, đại diện ban tổ chức cho biết hội nghị sẽ đón tiếp hơn 200 người tham dự bao gồm chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học, chuyên gia dinh dưỡng, đại diện doanh nghiệp từ 20 quốc gia khắp 5 châu lục. Trong đó đặc biệt sẽ có sự góp mặt và tham gia vào báo cáo tham luận, bàn tròn thảo luận của đại diện các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh dầu gạo lớn nhất thế giới như: Hiệp hội Chiết tách Dung môi Ấn Độ (SEA), Tập đoàn Thực phẩm Tsuno, Tập đoàn Oryza (Nhật Bản), Tập đoàn Wilmar (tại các nước Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc), Hiệp hội Dầu ăn và Ngũ cốc (Trung Quốc), Tổ chức Dược điển Mỹ (USP)…
Cơ hội để đa dạng sản phẩm từ lúa gạo Việt
Ở Việt Nam và trên thế giới, trong nhiều năm trở lại đây, xu hướng sử dụng dầu gạo trong các bữa ăn đã bắt đầu nở rộ, dần trở thành thói quen của nhiều gia đình bởi những lợi ích thiết thực của sản phẩm về mặt sức khỏe. Qua các công trình nghiên cứu khoa học cấp quốc tế, nhiều chuyên gia đã chứng minh dầu gạo giàu dưỡng chất Gamma-Oryzanol có khả năng chống ô xy hóa mạnh gấp 4 lần vitamin E góp phần làm chậm quá trình lão hóa cơ thể; giúp cơ thể giảm hấp thu cholesterol xấu; ngăn ngừa bệnh tim mạch…
Mặt khác, do có hương vị thanh nhẹ, dầu có thể dùng chế biến cho tất cả món ăn (chiên, xào, trộn salad, pha chế nước sốt…). Đặc biệt dầu gạo có khả năng chịu nhiệt lên đến 250 độ C nên vẫn không làm biến chất thành phần dinh dưỡng của thức ăn khi chiên xào.
Hiện nay, hơn 40% bữa trưa của các trường tiểu học và trung học ở Nhật Bản đều sử dụng dầu gạo theo chỉ định của Bộ Y tế Nhật; được người Nhật vinh danh là “dầu của trái tim”. Ở Mỹ, dầu gạo cũng được Hội Tim mạch (AHA) nước này khuyến cáo là một loại dầu ăn tốt cho sức khỏe.
Theo báo Business Wire (Mỹ), thị trường dầu gạo toàn cầu đã tăng trưởng 3% mỗi năm trong giai đoạn 2010-2017, đạt sản lượng 1,5 triệu tấn trong năm 2017. Theo nghiên cứu thị trường của Research Gate, tiềm năng sản xuất cám để làm dầu gạo đạt 29,3 triệu tấn mỗi năm.
Tuy nhiên, Ấn Độ hiện là quốc gia sản xuất 75% tổng sản lượng dầu gạo toàn thế giới nhưng cũng chỉ sản xuất được 900.000 tấn dầu gạo/năm. Theo sau là Nhật Bản, Thái Lan và Trung Quốc với tổng sản lượng dưới 200.000 tấn. Điều này mở ra cơ hội rất lớn để Việt Nam gia tăng sức cạnh tranh ở “sân chơi” này.
Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân (Calofic) với thương hiệu dầu gạo tinh luyện là Simly cũng cho biết, việc tinh luyện đòi hỏi công nghệ, máy móc hiện đại và trình độ kỹ thuật cao nhằm giữ được tối đa dưỡng chất Gamma-Oryzanol và cân đối các nhóm a xít béo trong dầu gạo. Do đó, đây cũng là một rào cản cần có sự nghiên cứu và đầu tư kỹ lưỡng để trở thành động lực cạnh tranh trong ngành.
Hội nghị Dầu gạo quốc tế (ICRBO) 2018 với chủ đề “Dầu gạo - Dầu ăn cao cấp tốt cho sức khỏe trên thế giới” tổ chức tại khách sạn JW Marriot, Hà Nội từ ngày 23.5 - 25.5. 2018 sẽ là cơ hội để cộng đồng và doanh nghiệp nâng cao nhận thức về tính thương mại của dầu gạo trên thị trường quốc tế; là cơ hội hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực này mở rộng thị trường và thúc đẩy sức mạnh nội tại của gạo Việt, nới rộng đường đưa dầu gạo Việt ra thế giới.
Ngoài các báo cáo, thảo luận, hội nghị còn có các gian hàng trưng bày và giới thiệu các công nghệ sản xuất, các sản phẩm liên quan đến dầu gạo.
Đây cũng là lần đầu tiên ICRBO tổ chức cuộc thi nghiên cứu về công dụng của dầu gạo dành cho sinh viên đại học và sau đại học trong nước và quốc tế tham dự với tổng giá trị giải thưởng lên tới 21.000 USD.
Thông tin chi tiết và cách thức đăng ký tham dự xem tại http://icrbo2018.org
|
Bình luận (0)