Thổ Nhĩ Kỳ đã nộp đơn xin gia nhập BRICS cách đây vài tháng trong bối cảnh thất vọng vì nỗ lực kéo dài hàng thập niên của nước này nhằm gia nhập Liên minh châu Âu (EU) không đạt được tiến triển nào, theo Bloomberg dẫn các nguồn tin.
Chính quyền của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tin rằng "trọng tâm địa chính trị" đang dịch chuyển khỏi các nền kinh tế phát triển nhất, theo Bloomberg dẫn một số nguồn tin.
Động thái đề nghị gia nhập BRICS cũng cho thấy mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ là "vun đắp mối quan hệ với mọi bên trong một thế giới đa cực" trong khi vẫn hoàn thành nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên chủ chốt của NATO, theo Bloomberg.
Một cựu nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận định với báo Newsweek rằng động thái gia nhập BRICS được thúc đẩy bởi "sự thất vọng tích tụ" ở Ankara với phương Tây và Liên minh châu Âu (EU). "Đây không phải là chiến lược của Ankara nhằm thay thế phương Tây, mà là chiến lược nhằm củng cố quan hệ với các cường quốc không thuộc phương Tây vào thời điểm tầm ảnh hưởng của Mỹ đang suy yếu", ông Sinan Ülgen, đứng đầu nhóm nghiên cứu EDAM có trụ sở tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), nhận định.
Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ về thông tin Ankara đã nộp đơn xin gia nhập BRICS.
BRICS nỗ lực đạt đồng thuận về mở rộng khối
BRICS là tổ chức liên chính phủ bao gồm 5 thành viên chủ chốt là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (tên tổ chức được ghép lại từ chữ cái đầu trong tên tiếng Anh của 5 nước này). Đầu năm nay, Iran, Ai Cập, Ethiopia và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) chính thức gia nhập BRICS, nâng số lượng thành viên của khối này lên thành 9 nước.
Trong cuộc họp nội các ngày 28.5, chính phủ Thái Lan đã hoàn tất các bước chuẩn bị để đệ trình hồ sơ đăng ký gia nhập BRICS, theo tờ Bangkok Post. Nếu được thông qua, Thái Lan sẽ trở thành thành viên đầu tiên của BRICS đến từ Đông Nam Á.
Bình luận (0)