Quốc hội bàn tái cơ cấu nền kinh tế

22/10/2011 00:36 GMT+7

Trong phiên thảo luận tại tổ hôm qua về tình hình kinh tế, xã hội (KT-XH), hầu hết ĐBQH đều nhất trí với các chỉ tiêu Chính phủ đề ra trong năm 2012 là phấn đấu tăng GDP 6%-6,5%, giữ lạm phát dưới 10%, nhưng đề nghị Chính phủ đưa ra được các giải pháp cụ thể về nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế.

 

Tiến độ cổ phần hóa những doanh nghiệp viễn thông lớn được cho là quá chậm - ảnh: Diệp Đức Minh

Không hô khẩu hiệu

ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) đánh giá những giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ còn hơi mang nặng tính khẩu hiệu, chưa có lộ trình, nội dung cụ thể. Theo ông, trước mắt phải đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn, tạo ra hàng hóa hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược, hút lượng tiền nhàn rỗi trong dân, lúc đó sẽ giảm áp lực vay lên ngân hàng (NH). Bởi nếu các doanh nghiệp (DN) làm ăn hiệu quả từ kênh này sẽ giảm vay tín dụng, hệ thống NH có dư để cho vay các đối tượng khác trong xã hội. “Cách này sẽ giải quyết bài toán khát vốn của DN, đồng thời giảm dần lãi suất cho vay. Muốn vậy, Chính phủ cần rà soát, nhanh chóng ban hành, điều chỉnh, sửa đổi các quy định, chính sách hiện hành vốn đang làm chậm quá trình CPH lại”, ông nói.

Đồng quan điểm trên, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM), cho rằng tái cơ cấu NH phải sàng lọc lại hệ thống, phân loại từng NH, từng khu vực, phân khúc. Đồng thời, phải quản lý chặt chẽ hệ thống thông qua giám sát, kiểm soát chặt chẽ bằng các hệ số an toàn, không nên nới lỏng quá. ĐB Lê Minh Thông (Thanh Hóa) so sánh việc thành lập mới hàng loạt NH hiện nay gần giống với việc mở trường ĐH ồ ạt dẫn tới chất lượng đào tạo yếu kém trong thời gian vừa qua. Theo ĐB Thông, hiện nay tình trạng vỡ nợ của tư nhân vay ngoài NH chính là hệ quả của các biện pháp hành chính để ấn định mức trần lãi suất. NH ép lãi suất xuống thấp khiến người dân rút tiền ra để cho vay nặng lãi ở bên ngoài.

Cử tri đều thấy nhiều cán bộ nhà nước có tài sản rất nhiều, nếu họ không đứng tên thì cũng vợ con, người thân. Vừa rồi buộc kê khai, nhưng phải làm thêm bước nữa là phải giải trình nguồn gốc tài sản...

ĐB Trương Trọng Nghĩa - TP.HCM

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng tái cấu trúc phải làm đồng bộ cả 3 lĩnh vực, nhưng phải biết sắp xếp nguồn lực ưu tiên. Ví dụ, tái cấu trúc đầu tư thì phải tập trung đầu tư công dựa vào 2 nguyên tắc: thứ nhất lĩnh vực nào, địa bàn nào tạo ra nguồn thu mới đầu tư; thứ hai là đầu tư theo kiểu “hút mồi” thì nhà nước phải xã hội hóa. “QH quyết ngân sách cho 2012 đã tập trung vào hướng này chưa, hay tất cả giữ nguyên như cũ. Nếu thời điểm này đã an bài hết rồi, thì bao giờ mới thực hiện để tái cấu trúc đầu tư”, ông Lịch bày tỏ.

Về tái cấu trúc tập đoàn, tổng công ty, theo ĐB Lịch phải bắt đầu từ việc công khai minh bạch công bố thông tin như các DN trên thị trường chứng khoán. Thời gian nào phải cụ thể lộ trình, chọn DN nào phải có phương án rõ. Đặc biệt, hiện nay DN đang trong giai đoạn khó khăn và hoang mang vì chưa biết sắp tới sẽ làm những gì, định hướng kinh doanh ra sao nên Chính phủ phải có tín hiệu chỉ đường cụ thể bằng chính sách để DN đi theo, vượt qua cơn bĩ cực.

ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cho biết, tái cơ cấu nền kinh tế đã nói từ kỳ họp thứ 8 QH khóa 12, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được gì. Sắp tới, tái cơ cấu đầu tư công, phải giảm tỷ trọng đầu tư từ lĩnh vực này, kêu gọi đầu tư tư nhân, dùng cơ chế chính sách khuyến khích tốt để làm.

ĐB Lê Thanh Vân (Hải Phòng) đề xuất, khi thực hiện tái cơ cấu trong lĩnh vực đầu tư công thì Chính phủ cần xác định tập trung đầu tư cho nông nghiệp, trong đó chủ yếu là nông nghiệp chế biến; thứ hai là công nghiệp phụ trợ và khoa học công nghệ.

Chưa đẩy lùi được tham nhũng

Phát hiện tham nhũng trong nội bộ còn hạn chế

Trong Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) của Chính phủ vừa được gửi tới ĐBQH chiều 21.10, có nhìn nhận việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ, cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế. Đa số các bộ, ngành, địa phương đều báo cáo không có trường hợp nào tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ. Chỉ có một số địa phương và ngành báo cáo có các cơ quan, đơn vị trực thuộc đã tự phát hiện tham nhũng thông qua kiểm tra nội bộ. Cụ thể, TP.HCM tự phát hiện 8 vụ, Lâm Đồng 4 vụ, Hậu Giang 2 vụ, Bắc Kạn 2 vụ, Ninh Thuận 1 vụ, Quảng Trị 1 vụ; ngành ngân hàng 16 vụ, ngành công an 4 vụ và ngành BHXH 1 vụ.

Nguyệt Minh

Hết sức thẳng thắn, ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng báo cáo về KT-XH của Chính phủ không thể hiện được vai trò của một cơ quan hành pháp là phải chỉ rõ Chính phủ đã làm được gì, chưa làm được gì, trách nhiệm của ai để tìm ra biện pháp điều hành tốt nhất, chứ không phải báo cáo tình hình, kế hoạch...

Về công tác cải cách thủ tục hành chính, chống tham nhũng, ĐB Quyền đặt dấu hỏi rằng bộ máy đã tương xứng chưa khi 5 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng đã chỉ ra hàng trăm bệnh trầm kha của cơ chế hành chính nhưng giải pháp đưa ra chưa đủ mạnh, chưa giải quyết được. “Chúng ta phải tổng kết, rà soát Luật Phòng chống tham nhũng, xem có nên duy trì Ban chỉ đạo không, nếu duy trì thì cơ cấu như thế nào để đảm bảo hiệu quả. Hiện nay, Văn phòng Ban chỉ đạo không có những chuyên gia thực thụ, rất khó để thực thi. Rồi phải xây dựng Luật Công vụ để xác định trách nhiệm từng khâu trong đó, giữa thủ trưởng và nhân viên, cấp trên cấp dưới, địa phương này với địa phương kia.

Thời gian qua, trách nhiệm không rạch ròi nên không xử lý được ai. Tham nhũng không phải là không thể phát hiện xử lý, cái chính là do người giám sát, kiểm tra có muốn, có tâm huyết để làm hay không. Chúng tôi đã đề nghị Chính phủ trong nhiều năm nay rằng trong công tác phòng, chống tham nhũng, bộ ngành nào làm tốt, bộ ngành nào chưa làm được phải chỉ rõ ra, trách nhiệm thế nào. Nếu cứ nói chung chung không thể giải quyết được”, ông nói.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nhận định, tham nhũng chưa được đẩy lùi, lãng phí trong đầu tư công, cho nên cần phải có đột phá về chống tham nhũng và lãng phí. “Cử tri đều thấy nhiều cán bộ nhà nước có tài sản rất nhiều, nếu họ không đứng tên thì cũng vợ con, người thân. Vừa rồi buộc kê khai, nhưng phải làm thêm bước nữa là phải giải trình nguồn gốc tài sản. Phải có chấn chỉnh xem xét lại nếu không những hành vi tham nhũng còn tiếp tục tồn tại và chống tham nhũng không hiệu quả, làm méo mó đầu tư công và cải cách hành chính. Đề nghị mau chóng ban hành Luật Đầu tư công, mua sắm công và đặc biệt là phải siết kỷ luật sử dụng vốn ngân sách. Các công trình đội vốn, kéo dài tiến độ thi công nhưng không ai bị kỷ luật cả” ông Nghĩa kiến nghị.

A.Vũ - N.Minh - T.Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.