Quốc hội bắt đầu giám sát thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
13/03/2023 10:27 GMT+7

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bắt đầu chương trình làm việc với các địa phương.

Cụ thể, ngày 9.3, đoàn giám sát đã làm việc về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa với một số đơn vị, trường học trên địa bàn Hà Nội; đến thăm, khảo sát, thực hiện giám sát chuyên đề tại Trường tiểu học Phù Linh và Trường THCS Minh Tân B (H.Sóc Sơn), Trường tiểu học Minh Quang A (H.Ba Vì), Trung tâm GDNN-GDTX H.Ba Vì và làm việc với lãnh đạo các huyện này.

Quốc hội bắt đầu giám sát thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới  - Ảnh 1.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc tại H.Sóc Sơn, Hà Nội.

MOET

Ngày 10.3, đoàn giám sát làm việc tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội), Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (Q.Cầu Giấy); Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Q.Hai Bà Trưng); Trường THPT Kim Liên (Q.Đống Đa); Trường tiểu học - THCS-THPT Everest (Q.Bắc Từ Liêm).

Theo kế hoạch, từ 9.3 đến 5.4, đoàn giám sát sẽ chia thành các tổ làm việc với các cơ sở giáo dục, UBND quận, huyện, trước khi làm việc với UBND các tỉnh, thành phố.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát trực tiếp 8 tỉnh thành, gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hưng Yên, Lai Châu, Đắk Nông, Bình Định, Bình Phước, Sóc Trăng.

Đến nay, Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được triển khai đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10 tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, đồng bộ ở tất cả các đại phương, vùng, miền.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, bên cạnh các kết quả đạt được, việc triển khai cũng còn tồn tại, hạn chế. 

Đội ngũ giáo viên còn chưa đồng bộ về cơ cấu đối với cấp THCS, THPT, nhất là khi triển khai thực hiện chương trình  có một số môn học mới. Số lượng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục còn thừa thiếu cục bộ; đồng thời còn thiếu so với quy định, đặc biệt là cấp tiểu học và môn âm nhạc, môn mỹ thuật ở cấp THPT. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục không đồng đều…

Tình trạng thiếu trường, lớp còn tồn tại ở một số địa phương, đặc biệt là tại một số khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Một số địa phương thực hiện dồn ghép các cơ sở giáo dục một cách cơ học; việc quy hoạch, dành quỹ đất, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học chưa phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn trường học. Việc mua sắm thiết bị dạy học tại các địa phương không bảo đảm tiến độ.

Sách giáo khoa được biên soạn còn có một số nội dung chưa phù hợp với đối tượng học sinh hoặc chưa phù hợp với một số vùng miền, một số từ ngữ mang tính địa phương - phương ngữ; một số đoạn văn, bài thơ đưa vào sách giáo khoa chưa hay, một số thông tin trong một số môn học chưa cụ thể và gần gũi với học sinh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.