Quốc hội chính thức đổi tên thẻ CCCD thành thẻ căn cước

27/11/2023 08:49 GMT+7

Quốc hội thông qua luật Căn cước để thay thế cho luật Căn cước công dân (CCCD), đồng thời thẻ CCCD sẽ có tên gọi mới là thẻ căn cước.

Sáng 27.11, Quốc hội bấm nút đối với dự án luật Căn cước. Với 87,25% đại biểu tán thành, luật Căn cước chính thức được thông qua, thay thế cho luật CCCD năm 2014.

Luật Căn cước có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2024.

Quốc hội chính thức đổi tên thẻ CCCD thành thẻ căn cước - Ảnh 1.

Với việc luật Căn cước được thông qua, thẻ CCCD sẽ có tên gọi mới là thẻ căn cước

TUYẾN PHAN

Thẻ CCCD đổi tên thành thẻ căn cước

Do thay đổi tên gọi từ luật CCCD thành luật Căn cước, để tương thích, thẻ CCCD sẽ có tên gọi mới là thẻ căn cước.

Không chỉ tên gọi, một số thông tin thể hiện trên mặt thẻ căn cước cũng được đổi mới so với thẻ CCCD.

Trong đó, dòng chữ "CĂN CƯỚC CÔNG DÂN" đổi thành "CĂN CƯỚC", "quê quán" đổi thành "nơi đăng ký khai sinh", "nơi thường trú" đổi thành "nơi cư trú".

Ngoài ra, thẻ căn cước sẽ không còn thể hiện dấu vân tay (ngón trỏ trái và ngón trỏ phải), chữ ký của người cấp thẻ đổi từ Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an thành "Nơi cấp: Bộ Công an".

Đổi tên thẻ căn cước, 83 triệu căn cước công dân gắn chip đã cấp có phải làm lại?

Quá trình thảo luận về dự án luật Căn cước, một số đại biểu cho rằng thời gian qua đã có nhiều thay đổi về hình thức, nội dung và tên gọi của thẻ căn cước, vì vậy đề nghị không đổi tên luật và tên thẻ.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, tên gọi luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, vừa bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật, vừa phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số.

Việc đổi tên thành thẻ căn cước cũng giúp công tác quản lý nhà nước khoa học hơn, phục vụ công cuộc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia các hoạt động xã hội, giao dịch về hành chính, dân sự.

"Nội dung này Đảng Đoàn Quốc hội đã xin ý kiến Bộ Chính trị và được Bộ Chính trị đồng thuận, thống nhất cao về việc sử dụng tên gọi luật Căn cước, thẻ căn cước như Chính phủ trình", Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông tin.

Quốc hội chính thức đổi tên thẻ CCCD thành thẻ căn cước - Ảnh 2.

Luật Căn cước có hiệu lực kể từ 1.7.2024

TUYẾN PHAN

Cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi

Luật CCCD năm 2014 quy định công dân Việt Nam đủ 14 tuổi trở lên mới phải cấp thẻ căn cước công dân. Còn tại luật Căn cước vừa được thông qua, ngoài công dân từ đủ 14 tuổi trở lên, người dưới 14 tuổi cũng được cấp thẻ căn cước (cấp theo nhu cầu chứ không bắt buộc ).

Với quy định mới, công dân Việt Nam đã được cấp thẻ căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi.

Quá trình thảo luận về dự án luật Căn cước, một số kiến đề nghị không quy định cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi, vì sẽ làm phát sinh thủ tục hành chính và chi phí thực hiện.

Dù vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định việc này là phù hợp. Bởi lẽ, thông qua việc sử dụng thẻ căn cước, người dưới 14 tuổi có thể tích hợp nhiều loại giấy tờ vào thẻ, giúp tiết kiệm kinh phí cho Nhà nước trong việc cấp các loại giấy tờ này.

Mặt khác, thẻ căn cước nhỏ gọn, dễ bảo quản, tính bảo mật cao sẽ bảo đảm an toàn, đem lại nhiều thuận lợi, tiện ích cho người dân trong việc đi lại cũng như học tập, khám chữa bệnh và các giao dịch dân sự khác.

Về quy trình cấp, trẻ từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi sẽ đi cùng người đại diện hợp pháp đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận thông tin nhân dạng và sinh trắc học, để làm thủ tục cấp thẻ.

Riêng với trẻ dưới 6 tuổi, người đại diện hợp pháp có thể thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia. Trường hợp này, cơ quan quản lý căn cước sẽ không thu nhận thông tin nhân dạng và sinh trắc học.

Quốc hội chính thức đổi tên thẻ CCCD thành thẻ căn cước - Ảnh 3.

87,25% đại biểu tán thành thông qua dự án luật Căn cước, thay thế cho luật CCCD năm 2014

TUYẾN PHAN

Cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam

Vẫn theo quy định tại luật Căn cước, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch mà đang sinh sống liên tục từ 6 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã sẽ được cấp giấy chứng nhận căn cước.

Giấy chứng nhận căn cước có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận căn cước, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đến cơ quan quản lý căn cước của công an cấp huyện hoặc cơ quan quản lý căn cước của công an cấp tỉnh nơi mình đang sinh sống.

Quá trình thảo luận về dự án luật Căn cước, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu cấp giấy chứng nhận căn cước cho tất cả những người không quốc tịch đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam gồm nhiều thành phần, gồm cả những người có quốc tịch nước ngoài nhưng cố tình giấu hoặc vứt bỏ các giấy tờ chứng minh quốc tịch của mình nhằm mục đích ở lại Việt Nam bất hợp pháp.

Xem nhanh 20h ngày 28.11: CSGT đo nồng độ cồn giữa trưa | Đổi tên luật, có cần làm lại thẻ căn cước?

Việc mở rộng đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước có thể dẫn tới nhiều người không quốc tịch trên thế giới di cư đến Việt Nam, tác động phức tạp đến tình hình an ninh, trật tự.

Do đó, luật Căn cước chỉ quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.