(TNO) Với tỷ lệ 83% đại biểu có mặt tán thành, sáng nay 19.6 Quốc hội đã thông qua luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), trong đó không quy định cứng số lượng cấp phó các bộ, ngành như đề xuất của nhiều đại biểu phát biểu trước đó.
Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi bổ sung quy định Thủ tướng chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Đối với những bộ, cơ quan ngang bộ khác, có thể tùy theo yêu cầu quản lý, tình hình phát triển của đất nước trong từng thời kỳ mà trình Quốc hội quyết định.
Tuy nhiên, theo quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc không quy định cứng số lượng cũng như tên gọi các bộ, cơ quan ngang bộ sẽ tạo điều kiện chủ động hơn để Quốc hội quyết định cơ cấu của Chính phủ phù hợp với thực tiễn và yêu cầu tổ chức bộ máy của Chính phủ trong từng thời kỳ phát triển của đất nước, bảo đảm cho Chính phủ thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý nhà nước của mình; đồng thời phù hợp với các quy định của Hiến pháp mới.
Cũng theo ông Lý, có ý kiến đề nghị quy định rõ số lượng thành viên Chính phủ phải bảo đảm phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới. Theo đó, nhóm ý kiến này đề nghị quy định tỷ lệ nữ tham gia Chính phủ ít nhất là 20%.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tỷ lệ nữ tham gia Chính phủ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, từ yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình nhân sự thực tế cụ thể của mỗi nhiệm kỳ Chính phủ để bố trí, quyết định. Do đó, đề nghị Quốc hội cho phép không quy định “cứng” tỷ lệ nữ tham gia Chính phủ trong Luật.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị không bổ sung quy định số lượng Phó thủ tướng trong Dự thảo Luật như một số ý kiến đề nghị.
Luật hoá trách nhiệm của Thủ tướng trước Quốc hội
Ông Phan Trung Lý cũng dẫn ý kiến một số đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung các quy định về trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng và của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ cho tương xứng với nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Nhóm ý kiến này còn đề nghị quy định làm rõ trách nhiệm của Thủ tướng với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ; trách nhiệm trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân…
Tiếp thu các ý kiến trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát các quy định trong dự thảo luật sửa đổi và đề nghị Quốc hội cho bổ sung, chỉnh lý các nội dung quy định về trách nhiệm của các chủ thể này.
Theo đó, dự luật bổ sung quy định: “Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về các quyết định, chủ trương, chính sách của mình; về kết quả, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy hành chính nhà nước; về các chủ trương, chính sách do mình đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền” .
Ngoài ra, dự luật cũng bổ sung quy định trách nhiệm của Thủ tướng theo hướng: Thủ tướng chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương; về các quyết định và kết quả thực hiện các quyết định của mình trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao” và “giải trình, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.
Hà Nội, TP.HCM được bầu 105 đại biểu HĐND
Cũng trong sáng 19.6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua luật Tổ chức chính quyền địa phương với tỷ lệ tán thành 85,22%. Trước đó, tại báo cáo giải trình tiếp thu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, dự luật đã tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị tăng số lượng đại biểu HĐND TP.Hà Nội và TP.HCM từ 95 đại biểu lên 105 đại biểu để phù hợp với quy mô dân số, đặc điểm, tính chất của các đô thị lớn này.
Về cơ cấu tổ chức của HĐND thành phố trực thuộc Trung ương khác, luật quy định nguyên tắc thành phố trực thuộc Trung ương có từ 1 triệu dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên 1 triệu dân thì cứ thêm 50.000 dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá 95 đại biểu.
|
Bình luận (0)