Đài CNN đưa tin dự luật được thông qua với 84 phiếu thuận và 30 phiếu chống và sẽ được chuyển đến Tổng thống Georgia Salome Zourabichvili, người trước đó khẳng định sẽ phủ quyết. Tuy nhiên, quốc hội nhiều khả năng sẽ bỏ phiếu đa số để vượt qua quyền phủ quyết của tổng thống.
Đạo luật yêu cầu các tổ chức nhận hơn 20% ngân sách từ nước ngoài sẽ được xếp vào danh sách "đại diện có ảnh hưởng nước ngoài". Những tổ chức trong danh sách này được cho là tích cực thúc đẩy lợi ích của quốc gia nước ngoài khi hoạt động ở nước sở tại.
Những người phản đối lo ngại dự luật sẽ cản trở cơ hội gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Georgia, khi nước này đã nộp đơn gia nhập vào năm 2022 được trao tư cách ứng viên hồi tháng 12.2023. Giới chức EU nhiều lần khẳng định dự luật này có hiệu lực sẽ giảm cơ hội Georgia vào liên minh.
Dự luật còn bị phe đối lập cho là tương tự "luật Nga". Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định dự luật của Georgia không được lấy ý tưởng từ Moscow. "Dự luật này hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Georgia và Nga không muốn can thiệp", ông nói, theo The Moscow Times.
Ở chiều ngược lại, giới chức ủng hộ dự luật nói rằng đây là điều cần thiết để thúc đẩy minh bạch, chống lại "các giá trị tự do giả hiệu" từ nước ngoài và bảo vệ chủ quyền của Georgia.
Nhà Trắng cho hay Mỹ "quan ngại sâu sắc" trước đạo luật của Georgia. "Nếu luật này được thông qua, Mỹ phải đánh giá lại một cách cơ bản mối quan hệ của chúng tôi với Georgia", Reuters dẫn lời Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ James O'Brien, người đang thăm thủ đô Tbilisi (Georgia), nói rằng Washington có thể áp đặt các hạn chế tài chính và di chuyển nếu lực lượng an ninh tiếp tục dùng vũ lực để giải tán các cuộc biểu tình gần đây hoặc trừ khi dự luật được thay đổi.
Bình luận (0)