Quốc hội hiến kế giảm chi

01/11/2014 04:20 GMT+7

Thừa nhận cân đối ngân sách nhà nước rất khó khăn nhưng nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu quyết liệt trong điều hành, thắt chặt kỷ luật thu, chi ngân sách thì vẫn đảm bảo có nguồn không chỉ chi tiêu cho cải cách tiền lương mà chi cho đổi mới khoa học công nghệ, tăng cường tiềm lực quốc phòng...

Quốc hội hiến kế giảm chi
ĐB Trần Du Lịch phát biểu tại phiên thảo luận hôm qua - Ảnh: Ngọc Thắng

Thảo luận chiều 31.10 về tình hình ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2014; dự toán và phương án phân bổ ngân sách năm 2015, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đưa ra một số ví dụ cho thấy còn rất lãng phí trong chi tiêu NSNN. “Nhiều nơi sử dụng vốn đầu tư vô cùng lãng phí. Như một ký túc xá ở một tỉnh miền núi đầu tư trên 1.200 tỉ đồng nhưng chỉ có đúng... 1 sinh viên ở do trường gần nhất cũng cách ký túc xá này 5 km, đường đi thì gập ghềnh, khó khăn. Lãng phí như vậy rất xót ruột. Ngay ở Hà Nội, cũng có rất nhiều công trình sử dụng lãng phí”, ông nói.

ĐB Trần Đình Nhã (Thừa Thiên-Huế) nêu ra ví dụ khác: “Hiện chúng ta đang lạm phát cấp phó. Cả nước có 139.000 cơ quan hành chính, hưởng ngân sách thì tương đương có 139.000 cấp trưởng và gấp 2 - 3 - 4 lần lên là số lượng cấp phó, có nơi 5 - 6, thậm chí 7 - 8 cấp phó nhưng không hiệu quả, giẫm chân lên nhau”. “Nhiều khi là xin cho, chạy chọt, bổ nhiệm theo phong trào nên nếu trung bình một cấp phó phải chi thêm 30 triệu đồng/năm phụ cấp chức vụ thì ít nhất sẽ phải chi hơn 4.000 tỉ đồng/năm”, ĐB Nhã phân tích và đề nghị: “QH cần có nghị quyết yêu cầu các cấp bố trí ngân sách cho cấp phó tối đa không quá 3 người”.

Chi thường xuyên hiện quá cao, chiếm 70% chi ngân sách, cần phải cắt mạnh tay hơn nữa. Cắt giảm chi tiêu hành chính, làm từ QH, đến Chính phủ rồi các địa phương, chỉ có tốt lên chứ không chết ai cả

ĐB Trần Du Lịch

ĐB Lê Nam nêu ý khác: “Chúng ta cần rà lại các khoản về chính sách. Trong 16 chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều chính sách không còn phù hợp và việc đầu tư không còn hiệu quả nên giảm đi thì ngân sách sẽ có thêm hàng chục ngàn tỉ đồng”. ĐB này phân tích: “Rất nhiều chính sách chồng chéo mà lãnh đạo địa phương bảo nhiều như lông bò, không nhớ nổi. Hỗ trợ gạo thì có gạo biên giới, gạo bán trú, gạo trồng rừng. Có cái hỗ trợ của Ủy ban Dân tộc, cái của Sở Lao động”. “Theo tôi, cái nào cắt được thì cắt đi, không chờ hết chương trình mục tiêu sẽ giảm được rất nhiều ngân sách”, ông Nam nói.

Còn nhiều nguồn tăng thu

ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) liệt kê hàng loạt khoản mục có thể tăng thu, giảm chi, mỗi khoản lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng. “Nếu chúng ta tăng cường chống thất thu, chống nợ đọng thuế, gian lận thuế (bằng 5% tổng thu ngân sách), làm tốt đã có thể thu hàng chục ngàn tỉ đồng. Cắt giảm 5 - 10% chi hành chính cho hội nghị, hội thảo, đi nước ngoài cũng được vài chục ngàn tỉ đồng nữa. Thu gọn biên chế mà hiện nay, có thống kê cho rằng 1/3 trong số 2,7 - 2,8 triệu cán bộ, công chức làm việc không hiệu quả cũng cắt giảm được ngân sách rất lớn”, ông Đương nói. ĐB Đương cũng cho rằng, nếu kiên quyết chống tham nhũng, công khai danh tính các công trình, dự án gây lãng phí, thất thoát, quản lý chặt đầu tư công thì có thể thu về hàng ngàn héc ta đất, hàng chục ngàn tỉ đồng nữa, đủ để chi cho những khoản NSNN đang không có nguồn giải quyết.

ĐB Trần Du Lịch đồng tình: “Chi thường xuyên hiện quá cao, chiếm 70% chi ngân sách, cần phải cắt mạnh tay hơn nữa. Cắt giảm chi tiêu hành chính, làm từ QH, đến Chính phủ rồi các địa phương, chỉ có tốt lên chứ không chết ai cả”.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề xuất QH ban hành nghị quyết thu 100% cổ tức các doanh nghiệp, lợi nhuận của các tập đoàn, sau khi cho trích vào các quỹ để đưa vào NSNN. “Đây là nguồn rất lớn nhưng đó là lợi nhuận từ vốn đầu tư từ NSNN nên đưa thành khoản thu thường xuyên của ngân sách, bổ sung quy định vào trong các bộ luật đã và sắp ban hành”, ông nói.

Xem lại việc không chi tăng lương

Dự toán NSNN do Chính phủ trình không bố trí nguồn để chi trả tiền lương, tiền hỗ trợ nhà ở cho người có công... ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng, Chính phủ phải xem lại vì trước đây đã thất hứa không tăng lương một lần. “Lý giải của Chính phủ không thuyết phục vì đó là lỗi của Chính phủ và QH chứ không phải của người hưởng lương. Có những đối tượng về hưu trước năm 1993 mức lương rất thấp mà không nâng lương cho họ sẽ không đảm bảo an sinh xã hội”, ĐB Nam nói.

Việc cắt nguồn chi cho chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công cũng gây phản ứng. ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên-Huế) cho rằng: “Nếu dừng lại hoàn toàn chương trình này thì rất không ổn vì ở nhiều địa phương, nhiều gia đình có công đã đi vay ngân hàng, mua vật tư trả sau để làm nhà, nay không có tiền trả. Do áp lực lớn nên địa phương ứng trước trả một phần, nay không giải quyết nữa thì gây tâm lý rất bất an”.

Tiền lương không thể không tăng

Nhiều ĐBQH nêu ý kiến không tán thành việc không điều chỉnh tăng lương năm 2015. ĐB Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN nói: “Vấn đề đặt ra ở đây không phải là tăng hay không tăng mà năm 2015 bằng mọi cách chúng ta phải tăng lương cho người lao động”. “Tại sao?”, ông Tùng đặt câu hỏi và tự trả lời: “Vì lộ trình đã đặt ra, luật đã thông qua, đã khẳng định rằng năm 2015 lương tối thiểu phải bằng mức sống tối thiểu. Và căn cứ vào luật này thì Tổ chức Công đoàn đã ngồi lại với cùng người sử dụng lao động tức là Hội đồng tiền lương quốc gia đã họp hai phiên mà Tổ chức Công đoàn đã đề nghị muốn lương bằng mức sống tối thiểu thì năm 2015 mức lương phải tăng 22% mới đảm bảo mức sống tối thiểu”.

ĐB Đặng Ngọc Tùng nói tiếp: “Nhưng vì khó khăn, cuối cùng Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất năm 2015 khó khăn thế này tăng lương từ 4,5 - 15%. Đã trình Chính phủ bắt đầu thực hiện với người lao động hưởng lương do người sử dụng lao động trả kể từ 1.1.2015. Còn trong khu vực hưởng lương từ NSNN Chính phủ đã thông qua lộ trình và nghị quyết của T.Ư cũng đã thông qua. Bây giờ đặt ra là do khó khăn quá không thực hiện lộ trình này thì xin hỏi người lao động, cán bộ công chức hưởng lương thấp làm sao người ta đủ sống... Nếu không tăng lương, không sống nổi thì cán bộ công chức lại gây khó khăn cho doanh nghiệp, cho người dân, vui vẻ nhận phong bì bôi trơn, thì nguy cơ còn lớn hơn nữa”.

T.S

Đề nghị bổ sung tội danh ‘tham nhũng nhà công vụ’

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng Lê Như Tiến đã kiến nghị như vậy khi phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sáng 31.10. Ông nhấn mạnh đã có nhiều ý kiến bức xúc liên quan việc quản lý, sử dụng nhà công vụ, biệt thự công hiện nay.

Tính đến cuối tháng 9.2014, tổng quỹ nhà ở công vụ của cả nước là hơn 1,6 triệu mét vuông, trong đó có hàng trăm biệt thự công, hàng chục nghìn căn hộ chung cư và gần 56.000 nhà ở liền kề.

Theo ông Tiến, trong nhiều năm qua, nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đã rất gương mẫu, tự nguyện trả lại biệt thự công, nhà công vụ, song không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý khi không còn giữ chức vụ nữa vẫn tự cho mình được quyền sử dụng vĩnh viễn, cố ý “quên” trả lại nhà công vụ, cố ý biến nhà công vụ thành nhà tư. “Có người tuy không ở nhưng lại lỡ mang theo cả chìa khóa nhà công vụ về địa phương để thụ hưởng biệt thự mà các doanh nghiệp đàn em đã xây sẵn ở quê nhà, có người cho con cháu mượn nhà công vụ theo cơ chế ở nhờ giữ hộ, có người còn thông minh hơn, cho thuê nhà công cụ để hằng tháng đều đặn lĩnh thêm một khoản tiền trời cho lớn gấp nhiều lần tiền lương”, ĐB Tiến nói.

Ông Tiến cho rằng, nếu Chính phủ có giải pháp quản lý, sử dụng đúng mục đích, bố trí hợp lý quỹ đất, thì hàng trăm biệt thự công, hàng chục nghìn nhà công vụ sử dụng sai mục đích có thể thu hồi, bán đấu giá hoặc cho thuê, sẽ ngày ngày “đẻ trứng vàng” cho NSNN. Ông đề nghị đã đến lúc nên nhận dạng và đưa vào bộ luật Hình sự tội danh mới là “tham nhũng nhà công vụ”. “Chúng ta lên án và xử lý nghiêm khắc một số cán bộ, công chức nhận lót tay quà biếu giá trị vài trăm nghìn hoặc vài triệu đồng song từ trước đến nay chúng ta chưa xử ai tham nhũng nhà công vụ với trị giá nhiều tỉ đồng”, ĐB Tiến nói.

Ông kiến nghị cần có chế tài nghiêm khắc như cưỡng chế, công khai danh tính, xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự đối với những người cố tình chiếm đoạt tài sản nhà nước, trong đó có việc chiếm đoạt nhà công vụ. “Như thế công cuộc phòng chống tham nhũng mới thiết thực có hiệu quả và sẽ xóa được hoài nghi là chúng ta chỉ “tắm từ vai trở xuống”, ĐB Tiến nói.

Trường Sơn

Mạnh Quân

>> Cần cắt giảm chi tiêu xuống mức thấp nhất
>> Cắt giảm chi tiêu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.