(TNO) Quốc hội Iran đã bỏ phiếu thông qua thỏa thuận hạt nhân mà nước này đạt được với các cường quốc. Thỏa thuận này giờ chỉ còn chờ đánh giá của hội đồng giáo sĩ Iran trước khi được phê chuẩn chính thức.
Quốc hội Iran đã thông qua dự luật về hạn chế chương trình hạt nhân của nước này - Ảnh: Reuters |
Buổi bỏ phiếu tiến hành ngày 13.10 và được trực tiếp trên kênh truyền thanh quốc gia. Có 161 nghị sĩ gật đầu cho thỏa thuận hạt nhân trong khi 59 người bỏ phiếu chống, 13 người bỏ phiếu trắng. Có 57 người khác không tham gia bỏ phiếu, theo AP ngày 13.10.
Hội đồng Giám hộ Iran gồm 12 thành viên có thể sẽ gửi trả lại dự luật này xuống quốc hội để xem xét lại. Lãnh đạo tối cao Yatollah Ali Khamenei của Iran là người có tiếng nói quyết định trong các chính sách quan trọng của đất nước, đã nói rằng việc thông qua hay bác bỏ dự luật này còn tùy vào 290 thành viên quốc hội.
Hiện chưa rõ khi nào Hội đồng Giám hộ sẽ đưa ra quyết định. Dự luật này sẽ trao quyền hoàn thành thỏa thuận hạt nhân cho Hội đồng an ninh tối cao quốc gia do Tổng thống Hassan Rouhani lãnh đạo.
Ông Khamenei vẫn không công khai ủng hộ hay bác bỏ thỏa thuận, mặc dù có đưa ra lời động viên đối với các quan chức ngoại giao Iran đã tiến hành đàm phán trong nhiều tháng trời về vấn đề hạt nhân.
Một phiên làm việc của quốc hội Iran - Ảnh: Reuters
|
Các buổi tranh luận về dự luật này tại quốc hội Iran thường diễn ra rất căng thẳng, trong đó các nghị sĩ có lập trường cứng rắn luôn muốn ngăn chặn cuộc bỏ phiếu nhằm làm suy yếu chính quyền của Tổng thống Rouhani trước cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 2.2016.
Trong phiên bỏ phiếu ngày 13.10, các nghị sĩ phe cứng rắn cho rằng dự luật này không ủng hộ ông Khamenei và cố trì hoãn buổi bỏ phiếu bằng cách đặt ra nhiều đề xuất chi tiết cho dự luật. Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif đã phải rời phiên họp sau khi không khí trở nên căng thẳng.
Thỏa thuận hạt nhân được đưa ra nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Iran, đổi lại nước này sẽ được dỡ bỏ cấm vận kinh tế. Thỏa thuận đạt được sau gần 2 năm đàm phán giữa Iran và các cường quốc thế giới gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức.
Phương Tây từ lâu nghi ngờ Iran thực hiện chương trình hạt nhân nhằm phục vụ mục đích quân sự. Trong khi đó Iran nói chương trình hạt nhân của nước này chỉ nhằm mục đích hòa bình như năng lượng và y tế.
Bình luận (0)