|
>> Thượng viện Mỹ yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan
>> Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết 412 của Thượng viện Mỹ về biển Đông
>> Thượng viện Mỹ cực lực phản đối hành vi khiêu khích của Trung Quốc
Lời kêu gọi được hạ nghị sĩ Eni Faleomavaega thuộc Tiểu ban Châu Á - Thái Bình Dương của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đưa ra trong tuyên bố gửi cho Thanh Niên, sau khi Thượng viện Mỹ hoàn toàn nhất trí thông qua Nghị quyết số hiệu S.RES.412 về tình hình an ninh châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông và biển Đông.
Nghị quyết cũng thúc giục Trung Quốc (TQ) rút giàn khoan phi pháp Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) ra khỏi vùng biển Việt Nam và trả mọi thứ về nguyên trạng như trước ngày 1.5.2014. Nhận định về động thái này, hạ nghị sĩ Faleomavaega nói với Thanh Niên: “Tôi cảm ơn vai trò lãnh đạo của Thượng viện trong vấn đề này. Tự do hàng hải và vấn đề khai thác vùng biển, vùng trời theo luật pháp quốc tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương ảnh hưởng đến an ninh của các đồng minh, đối tác của Mỹ. Do vậy, tôi tiếp tục kêu gọi Hạ viện cũng có động thái tương tự. Đối với vấn đề quan trọng như thế này, cả hai cơ quan của Quốc hội cần gửi một thông điệp thống nhất đến Bắc Kinh: Bên cạnh việc ngưng triển khai Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông và các khu vực khác tại châu Á - Thái Bình Dương, TQ phải chấm dứt vi phạm chủ quyền Việt Nam”.
Theo ông Faleomavaega, riêng trong vấn đề biển Đông, TQ đang hành xử “kém cỏi” và không chứng tỏ được vai trò của một nước lớn và đáng tin cậy. Ông Faleomavaega cảnh báo: “Nếu không bị kiềm chế, tôi tin là TQ sẽ tiếp tục bắt nạt các nước khác trong khu vực như cái cách họ đã và đang làm. Những hành động khiêu khích như vậy là tín hiệu xấu cho khu vực và cả Mỹ, nhất là khi đây không còn là chuyện nội bộ hay chỉ của khu vực, mà là một vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng cả cộng đồng thế giới. Theo tôi, TQ đã buộc Mỹ không thể không lên tiếng. Một lần nữa, tôi kêu gọi Hạ viện Mỹ nhanh chóng có hành động tương tự như Thượng viện, nhằm bảo đảm TQ trở thành một đối tác đáng tôn trọng hơn và biết tuân thủ luật pháp cũng như các chuẩn mực quốc tế”.
Bắc Kinh sẽ phản ứng kịch liệt?
Nghị quyết trên được đưa ra trước Thượng viện vào tháng 4.2014 và đến cuối tháng 5 thì được điều chỉnh lại để bổ sung cho phù hợp với các diễn biến tình hình mới, đặc biệt là vụ TQ hạ đặt phi pháp giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển Việt Nam. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, đề nghị không nêu tên, nói với Thanh Niên: “Nghị quyết tái khẳng định quyền lợi quốc gia của Mỹ trong việc duy trì hòa bình, ổn định tại biển Đông. Chúng tôi tiếp tục kêu gọi các bên liên quan có những hành động mang tính chuyên nghiệp và an toàn, cũng như giải quyết tranh chấp theo tinh thần thượng tôn pháp luật quốc tế”.
Hiện TQ vẫn chưa có phản ứng chính thức về Nghị quyết S.RES.412. Thế nhưng, TS Sam Bateman (ĐH Công nghệ Nayang - Singapore) dự báo: “Bắc Kinh sẽ dùng lời lẽ mạnh mẽ để phản đối nghị quyết này. Ngoài ra, những phản ứng thực địa “trên biển” cũng rất có khả năng sẽ xảy ra trên biển Hoa Đông, xuất phát từ những nội dung trong nghị quyết đề cập đến tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, sửa đổi hiến pháp tại Nhật Bản, và quan hệ Tokyo - Washington”.
Mỹ đề xuất đóng băng leo thang Tại hội thảo về biển Đông tổ chức ở Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) đặt tại Washington vào ngày 11.7 (giờ địa phương), Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương Michael Fuchs đề xuất TQ và các nước có tranh chấp lãnh thổ nên tự nguyện "đóng băng" những hành động làm leo thang căng thẳng ở biển Đông. Ông Fuchs cho rằng việc quyết định yếu tố nào sẽ bị "đóng băng" hoàn toàn tùy thuộc vào các nước có tranh chấp. Tuy nhiên, theo Mỹ gợi ý, động thái này có thể bao gồm không thiết lập cơ sở mới, không chiếm vùng lãnh thổ mà bên tuyên bố chủ quyền khác đã chiếm giữ trước thời điểm ban hành Tuyên bố về ứng xử các bên ở biển Đông (DOC) vào năm 2002. Các bên cũng có thể làm rõ đâu là hành động khiêu khích và đâu là nỗ lực duy trì sự hiện diện từ lâu trước năm 2002, theo nhà ngoại giao Mỹ. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera cũng có bài phát biểu tại CSIS trong ngày 11.7, tuyên bố Tokyo sẽ “đáp trả cứng rắn” nếu TQ gây rối ở vùng biển tranh chấp giữa hai nước. Nhật Bản không chấp nhận hành động dùng vũ lực nào để thay đổi hiện trạng, theo ông Onodera. Ông Onodera nhấn mạnh: “Trong thế kỷ 21, không một quốc gia nào có thể tự phòng vệ đơn độc. Vì lẽ đó, ngày càng có nhiều quốc gia muốn thắt chặt quan hệ với Mỹ và Nhật Bản”. Nhận định về xu hướng thiết lập các khối đồng minh, bà Tôn Vân, Trung tâm phản biện chính sách Stimson (Mỹ), nói với Thanh Niên: “Hành động kêu gọi các nước có tranh chấp chủ quyền trên biển xích lại gần nhau của Nhật Bản có thể lý giải được, bởi tất cả các nước này đều đang bị ảnh hưởng từ các hành vi của TQ. Thế nhưng, tất nhiên là Bắc Kinh rất dị ứng với quan điểm kêu gọi liên minh như thế”. |
An Điền
Bình luận (0)