Quốc hội sẽ giám sát tối cao về phòng, chống xâm hại trẻ em

Anh Vũ
Anh Vũ
03/06/2019 10:55 GMT+7

Chuyên đề giám sát tối cao về phòng, chống xâm hại trẻ em được đa phần đại biểu nhất trí khi Quốc hội bỏ phiếu trong phiên làm việc đầu tuần, ngày 3.6.

Trước đó, trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020, Tổng thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tính đến 23.3, Tổng ký thư Quốc hội đã nhận được văn bản trả lời của 77 cơ quan với 183 nội dung kiến nghị, đề xuất.
Trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 1 trong 2 chuyên đề, gồm: việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (dự kiến giao Ủy ban Tư pháp chủ trì về nội dung); và việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên (dự kiến giao Ủy ban Đối ngoại chủ trì về nội dung).
Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu đồng tình với việc chọn chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Sau đó, Quốc hội tiến hành lấy ý kiến của các đại biểu. Kết quả, có 386 đại biểu (chiếm 79,13% tổng số đại biểu) đồng tình.
Trước đó, thảo luận về chương trình giám sát của Quốc hội, đại biểu Lê Xuân Thân, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hoà, cho rằng điều quan trọng nhất mà cử tri, nhân dân quan tâm là trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành từ T.Ư tới cấp xã liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em.
"Nhiều người thắc mắc tại sao chúng ta có nhiều cơ quan, từ T.Ư tới cơ sở tham gia mà tình trạng xâm phạm trẻ em vẫn diễn ra!?", ông Thân nêu vấn đề, và đề nghị Quốc hội mở rộng phạm vi giám sát, có những biện pháp để thực hiện tốt hơn việc kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo luật Trẻ em 2016.
Ngoài giám sát tối cao về phòng, chống xâm hại trẻ em, chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020 cũng sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2021; công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng, chống tội phạm…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.