Quốc hội sẽ giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Lê Hiệp
Lê Hiệp
25/07/2021 17:20 GMT+7

Quốc hội đã quyết định lựa chọn giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn từ 2016 - 2021 trong chương trình giám sát năm 2022 của Quốc hội.

Chiều 25.7, với 475/478 đại biểu tham gia bỏ phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022.
Theo đó, tại kỳ họp thứ 3 (5.2022), Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao chuyên đề về công tác quy hoạch kể từ khi luật Quy hoạch được ban hành (2017 - PV).
Tại kỳ họp thứ 4 (10.2022), Quốc hội sẽ giám sát tối cao về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021.
Hai chuyên đề giám sát được đưa ra lấy ý kiến trước đó, gồm việc thực hiện giải quyết khiếu nại tố cáo từ 2016 - 2021; và việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong giai đoạn 2019 - 2021, sẽ được giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ về việc tiếp thu, giải trình các đại biểu Quốc hội về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, có 319/424 đại biểu lựa chọn chuyên đề về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (75,24%); còn chuyên đề công tác quy hoạch nhận được 254/424 phiếu lựa chọn (59,91%)
2 chuyên đề còn lại nhận được hơn 34 và 39% đại biểu lựa chọn. Do đó, Quốc hội lựa chọn giám sát tối cao 2 chuyên đề là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; và công tác quy hoạch.
Giải trình tiếp thu ý kiến về các chuyên đề giám sát, Tổng thư ký Quốc hội cũng cho biết, đối với chuyên đề giám sát về tiết kiệm, chống lãng phí, một số ý kiến đề nghị giới hạn phạm vi giám sát, tập trung vào một số lĩnh vực như: quản lý, mua sắm tài sản công tại các doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập; việc quy hoạch, triển khai thực hiện các dự án đầu tư công… để tránh dàn trải, bảo đảm giám sát đạt chất lượng, hiệu quả.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, căn cứ tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo xác định trọng tâm, trọng điểm khi xây dựng kế hoạch chi tiết của Đoàn giám sát và xin Quốc hội cho phép được giữ tên như dự thảo.

Phát hiện các vướng mắc trong công tác quy hoạch để tháo gỡ

Đối với chuyên đề giám sát về công tác quy hoạch, Tổng thư ký Quốc hôi Bùi Văn Cường cho biết, có nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc việc đưa nội dung này vào chương trình giám sát 2022.
Tuy nhiên, theo ông Cường, theo quy định của luật Quy hoạch, việc lập, thẩm định quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có hiệu lực thi hành từ 1.3.2018, nhưng đến nay qua hơn 3 năm triển khai thực hiện chưa có quy hoạch nào thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia được phê duyệt, trong đó bao gồm cả quy hoạch sử dụng đất quốc gia, gây ảnh hưởng đến việc đầu tư, phát triển của đất nước giai đoạn tới.  
Vì vậy, việc Quốc hội tiến hành giám sát tối cao chuyên đề này là rất cần thiết và phù hợp với lựa chọn của đa số các vị đại biểu Quốc hội (59.91%), nhằm đánh giá lại việc triển khai thực hiện, góp phần đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; đồng thời, phát hiện các vướng mắc, khó khăn để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch.
Đối với chuyên đề về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ông Cường cho biết, có ý kiến đề nghị giới hạn phạm vi và đối tượng giám sát để phù hợp với nguồn lực thực tế của các cơ quan, bảo đảm hiệu quả giám sát, tránh gây áp lực đối với các cơ quan trực tiếp triển khai thực thi pháp luật; bổ sung nội dung giám sát việc giải quyết các vụ việc, vụ án bức xúc kéo dài đã được kiến nghị qua nhiều kỳ họp Quốc hội vào chuyên đề này.
Theo Tổng thư ký Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc lựa chọn tên, phạm vi, đối tượng giám sát của từng chuyên đề đã được cân nhắc nhiều mặt và được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, theo đó đã chú ý tới năng lực thực hiện của cơ quan chủ trì. Căn cứ tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiên cứu điều chỉnh nội dung giám sát cho phù hợp khi quyết định chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022.
Sẽ giám sát các gói hỗ trợ 62.000 tỉ và 26.000 tỉ vào thời điểm thích hợp
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết, có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung giám sát một số chuyên đề liên quan đến chính sách an sinh xã hội (gói hỗ trợ 62.000 tỉ năm 2020 và 26.000 tỉ năm 2021) để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật trong việc bổ nhiệm, luân chuyển và điều động cán bộ; phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu; đầu tư hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục; chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xem xét những tác động của dịch Covid-19 đối với phát triển kinh tế - xã hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, các vấn đề nêu trên đều là những nội dung được quan tâm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét giao các Ủy ban của Quốc hội tổ chức giám sát hoặc giải trình vào thời điểm thích hợp. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.