Đề xuất 5 chuyên đề
Sáng 19.4, tiếp tục phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023.
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo tại phiên họp |
gia hân |
Báo cáo tại phiên họp, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết trên cơ sở ý kiến đề xuất của các cơ quan Quốc hội, Tổng thư ký đã tổng hợp 5 chuyên đề để Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 4 chuyên đề trình ra Quốc hội lựa chọn để giám sát trong năm 2023.
Cụ thể, chuyên đề thứ nhất là việc huy động quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Chuyên đề thứ 2 là việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030).
Chuyên đề thứ 3 là việc thực hiện Nghị quyết số 88 năm 2014 Quốc hội khóa XIII và Nghị quyết số 51 năm 2017 Quốc hội khóa XIV của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Chuyên đề thứ 4 là việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nguồn năng lượng tái tạo.
Chuyên đề thứ 5 là việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công giai đoạn 2015 - 2020.
Không giám sát nhiệm kỳ trước
Thảo luận sau đó, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị ở chuyên đề thứ 4, nên giám sát chung về năng lượng, bao gồm năng lượng tái tạo cũng như những lĩnh vực năng lượng khác.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị giám sát vấn đề nhân lực và đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng |
gia hân |
Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng các lĩnh vực năng lượng khác cũng cần giám sát dù lĩnh vực năng lượng tái tạo thời gian vừa qua đúng là có vấn đề phát triển nóng, mất cân đối.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị phạm vi là năng lượng hay năng lượng tái tạo thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc, song đề nghị giám sát phải có thời hạn nhất định chứ không nên giám sát chung chung.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng chuyên đề thứ nhất giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng là quá rộng, và đề nghị chỉ tập trung giám sát nhân lực và đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương góp ý tên của chuyên đề có thể để chung về y tế cơ sở, y tế dự phòng còn khi xây dựng đề cương giám sát thì có trọng tâm, trọng điểm về nhân lực và đầu tư để vừa có bức tranh tổng thể về lĩnh vực giám sát, vừa có trọng tâm, trọng điểm.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh thì đề nghị không giám sát chuyên đề 3 về các chương trình mục tiêu quốc gia, vì năm nào Chính phủ cũng có báo cáo tại kỳ họp cuối năm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ không đồng ý với ý kiến này vì cho rằng "giám sát qua báo cáo thì không hiệu quả". Trong khi đó, theo ông Huệ, các chương trình mục tiêu quốc gia rất quan trọng, liên quan tới dân sinh và hiện đang gặp nhiều vấn đề.
"Chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng nhưng giờ tắc tị. Nhiều nơi người ta kêu lắm các đồng chí ạ", ông Huệ nói, và cho rằng đây là chuyên đề rất cần giám sát.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị không giám sát "nhiệm kỳ trước" mà giám sát "cái đang diễn ra" |
gia hân |
Bên cạnh đó, ông Huệ đề nghị không giám sát chuyên đề 5 về đầu tư công vì cho rằng, Quốc hội không nên giám sát "nhiệm kỳ trước", hay "những việc đã qua" mà nên giám sát cái đang diễn ra thì mới hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị giám sát đầu tư công vào năm 2024 để tập trung vào các công trình trọng điểm cũng như kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 đang thực hiện.
Kết quả bỏ phiếu của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề 1, 2, 3, 4 để trình Quốc hội lựa chọn giám sát với số phiếu lần lượt là 17/18, 13/18, 16/18, 13/18.
Theo đó, 4 chuyên đề này sẽ được trình Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội và 2 chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp tháng 5.2022.
Chuyên đề thứ 5 chỉ nhận được 10/18 phiếu đồng ý nên không được lựa chọn để trình Quốc hội lựa chọn.
Bình luận (0)