ĐB Nguyễn Văn Phát (Thanh Hóa) cũng bày tỏ sự lo lắng: "Trong các quy định của luật có rất nhiều cơ quan quản lý. Nếu chúng ta quy định như vậy, rõ ràng các nhà đầu tư vào công nghiệp hóa chất sẽ phải thực hiện một quá trình xin ý kiến và phải được thẩm định ở nhiều khía cạnh rất khác nhau. Tôi thấy rằng nếu làm như vậy sẽ cản trở quá trình đầu tư".
ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) lên tiếng: "Khi xảy ra việc xăng nhiễm acetol, chúng ta không xử phạt được vì lý do không có quy định hàm lượng acetol trong xăng bao nhiêu là hợp lý, chúng ta không biết nó nhiều so với cái gì. Cái đó là do một lỗ hổng trong luật của chúng ta". Ông Xuân đề xuất: "Chúng ta phải quy định như thế này: các loại hóa chất, các loại thành phần tham gia cho một sản phẩm thì phải được đăng ký. Nếu cái nào không có trong đăng ký mà lại tồn tại trong sản phẩm thì đó đã là trái. Các hóa chất được sử dụng tạo thành một sản phẩm thì phải được khai báo, dù cho nó có hàm lượng là bao nhiêu thì cũng phải được khai báo nếu như nó có ảnh hưởng đến người tiêu dùng".
ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) bổ sung: "Chất Chloramphenicol không được dùng trong thủy sản nhưng được dùng trong y tế như chất khử trùng. Chúng tôi cũng hiểu như thế, nhưng nếu bây giờ không có nghị định thống nhất chất chung thì có thể có những chỗ người ta lợi dụng quy định của Bộ Y tế làm ảnh hưởng đến sản xuất thủy sản thì sao, hoặc ngược lại". Ông Thuyết đề nghị: "Cần có một danh mục chung, danh mục ấy sẽ nêu rõ hạn chế sử dụng thì hạn chế trong lĩnh vực nào, lĩnh vực nào thì không hạn chế sử dụng. Như vậy thì khi người ta nhìn vào một bảng như thế, người ta thấy rõ hơn là bây giờ ta để từng bộ làm".
* Cùng ngày, khi QH xem xét Luật sửa đổi, bổ sung điều 73 của Bộ luật Lao động, tất cả các đại biểu đều nhất trí về việc cho phép người lao động nghỉ việc, hưởng nguyên lương vào ngày giỗ Tổ Hùng Vương (10.3 âm lịch).
Xuân Toàn
Bình luận (0)