Quốc hội thảo luận về dự án Luật Kinh doanh bất động sản: Có nên tiếp tục cho "tay không bắt giặc"?

21/05/2006 00:06 GMT+7

* Người nước ngoài được phép kinh doanh bất động sản Ngày 20/5, Quốc hội dành thời gian thảo luận về dự án Luật Kinh doanh bất động sản và dự án Luật Phòng, chống HIV/AIDS.

Theo dự án Luật Kinh doanh bất động sản, tất cả các trường hợp mua, bán, cho thuê nhà, các công trình xây dựng, kinh doanh quyền sử dụng đất sẽ được thực hiện thông qua sàn giao dịch, nhằm hạn chế tình trạng giao dịch ngầm trong lĩnh vực mua, bán bất động sản. Các đại biểu QH nhất trí với quy định này nhưng vẫn còn một số khác biệt quan điểm.

Về phương thức huy động vốn để đầu tư của các công ty bất động sản, ĐB Bùi Văn Xướng (Long An) thắc mắc: "Luật quy định việc ứng tiền trước được thực hiện nhiều lần, lần đầu chỉ được thực hiện khi chủ đầu tư đã xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho bất động sản, các lần huy động tiếp theo phù hợp với tiến độ thực hiện đầu tư tạo lập bất động sản. Điều này sẽ dẫn đến việc người ta hiểu nhầm là phải hoàn thành bất động sản mới được thu tiền". Theo ông Xướng, điều này là không thể, vì các doanh nghiệp của ta không đủ vốn, từ trước đến nay đều thực hiện huy động theo cách cuốn chiếu, nhiều trường hợp còn huy động trước.

Tuy nhiên, trên thực tế, chính việc huy động vốn trước để thực hiện dự án đã gây thiệt hại cho nhiều người dân: tiền đã nộp cho doanh nghiệp nhưng cứ chờ hoài mà không thấy nhà cửa đâu, có khi tiền bỏ ra phải sau hai, ba, năm mới nhận được nhà. Để khắc phục tình trạng này, ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắk Nông) và ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Hà Nội) đều cho rằng: "Phải đánh giá lại năng lực của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có lực không, hay là chỉ dựa vào cái quyền là gắn với cơ quan chủ quản. Kể cả các doanh nghiệp nhà nước lớn, khi kiểm toán vào thì phát hiện ra không phải họ tay không bắt giặc mà là tay âm bắt giặc". Ông Nguyễn Lân Dũng gợi ý một cách tiếp cận khác: "Người đầu tư hiện tại chỉ có quyền chứ không có tiền. Phải thu hút đầu tư của nước ngoài vào mới có tiền thật".

Những "liệt sĩ" chống HIV/AIDS

Hiện tại, bác sĩ, y tá trong lúc chăm sóc bệnh bị nhiễm HIV, khi chết không được hưởng một chính sách gì. Đại biểu Trương Thị Thu Hằng (Đồng Nai) đặt dấu hỏi: "Điều này do ta hạn hẹp về tài chính hay là do quan niệm, đánh giá?". Ủng hộ quan điểm trên, đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) đề xuất: "Công an khi bị nhiễm HIV chết được công nhận là liệt sĩ, vậy thì y tá, bác sĩ bị nhiễm HIV trong lúc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, nếu thân thể họ bị hủy hoại thì họ cũng phải được hưởng chế độ của thương binh, nếu chết thì được công nhận là liệt sĩ".

Đối với người bị nhiễm HIV, vấn đề các đại biểu QH quan tâm là việc HIV/AIDS (cùng với 7 căn bệnh xã hội khác) không được thanh toán bảo hiểm y tế. Các ý kiến phát biểu đều không đồng tình với điều này và đề nghị luật lần này phải sửa đổi: người đang tham gia bảo hiểm y tế bị nhiễm HIV phải được quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí khám chữa bệnh theo danh mục thuốc điều trị HIV/AIDS do Bộ Y tế quy định. Đại biểu Huỳnh Thành Lập (TP Hồ Chí Minh) lập luận: "Người ta tham gia đóng bảo hiểm y tế trong một thời gian không bị ốm, không may nhiễm HIV, bảo hiểm y tế không thanh toán là không công bằng. Giá thuốc điều trị HIV nay đã giảm nhiều, rẻ hơn nhiều so với những bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Chạy thận nhân tạo được bảo hiểm y tế chi trả thì tại sao những người nhiễm HIV lại không được?”.

Tuy nhiên, việc xóa bỏ các quy định phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS không đơn giản, mà phải tính đến hai mặt của vấn đề. Doanh nghiệp không được chấm dứt hợp đồng lao động, từ chối tuyển dụng vì lý do người dự tuyển lao động nhiễm HIV, nhưng "doanh nghiệp được quyền yêu cầu người dự tuyển xuất trình phiếu xét nghiệm HIV" để chủ doanh nghiệp bố trí việc làm hợp lý, bà Nguyễn Thị Loan (Vĩnh Phúc) nhấn mạnh.

Trường hợp trẻ em bị nhiễm HIV, phần lớn các ý kiến đều đồng tình: không nên lập lớp riêng cho các cháu nhiễm HIV, vì hiện nay trên toàn quốc chỉ có 200 trẻ bị nhiễm, phân bố rải rác khắp các tỉnh, có tỉnh có 1-2 em bị nhiễm. Ít quá sẽ không tổ chức được lớp, các em sẽ bị tước quyền học tập, hơn nữa càng làm tăng thêm sự kỳ thị phân biệt đối xử. Đại biểu Nguyễn Hữu Nhơn (Đồng Tháp) vẫn băn khoăn: "Nhưng cũng phải có biện pháp gì để phòng tránh chứ học chung một lớp, trẻ em tránh sao được các va chạm?”.

Người nước ngoài được phép kinh doanh bất động sản

Tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được kinh doanh bất động sản và kinh doanh dịch vụ bất động sản: đầu tư tạo lập nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua; đầu tư cải tạo đất và đầu tư các công trình hạ tầng trên đất thuê để cho thuê đất đã có hạ tầng; kinh doanh các dịch vụ bất động sản: dịch vụ môi giới bất động sản, dịch vụ thẩm định giá bất động sản, thành lập sàn giao dịch bất động sản để kinh doanh, dịch vụ tư vấn bất động sản, dịch vụ đấu giá bất động sản, dịch vụ quảng cáo bất động sản, dịch vụ quản lý bất động sản. (Trích điều 9 và điều 10 Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản)

X.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.