"Giao quyền cho thế hệ trẻ"
Quan điểm này của ông Đỗ Trọng Ngoạn lập tức nhận được sự đồng tình từ ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai). Ông Quốc cho rằng, có quá nhiều điều luật thể hiện sự "ban phát quyền lợi của người lớn dành cho trẻ con" mà không khẳng định được vị trí của thế hệ trẻ, những người không chỉ là "lực lượng xung kích" mà thực sự đang là lực lượng sáng tạo, lực lượng nắm bắt nhanh nhất các đỉnh cao khoa học, công nghệ. Các ĐBQH cho rằng cần khẳng định cụ thể hơn nữa niềm tin của gia đình, xã hội vào thế hệ trẻ và thể hiện bằng các cơ chế rõ ràng trong luật tạo điều kiện cho thế hệ trẻ phát triển. Theo ĐB Dương Trung Quốc: "Ở đâu phát huy được dân chủ, ở đó thế hệ trẻ khẳng định được vị trí của mình". "Tại sao trong luật không nêu một tỷ lệ nhất định giao quyền cho thế hệ trẻ, ví dụ trong một cơ quan, tổ chức phải có bao nhiêu phần trăm lãnh đạo là người trẻ tuổi chẳng hạn, như thế thể hiện niềm tin đầy đủ của chúng ta đối với thanh niên", ông Dương Trung Quốc đề nghị.
Cũng trong mạch quan điểm này, ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) góp ý: "Thanh niên là chủ nhân của dân tộc, của đất nước chứ không phải là chủ nhân tương lai như dự luật đề cập". Ông Xuân lý giải, thanh niên đang chiếm lĩnh những đỉnh cao khoa học, công nghệ, đang xung kích trong tất cả các lĩnh vực và là lực lượng chính làm ra của cải cho xã hội.
Thanh niên hư hỏng: Trách nhiệm thuộc về gia đình?
Nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Vũ Trọng Kim thuyết phục Quốc hội rằng tuổi thanh niên nên từ 16 đến 35 tuổi, khác với quan điểm của Ban soạn thảo là từ 16 đến đủ 30. Ông Kim lý giải, 16 - 30 là độ tuổi học tập, khởi nghiệp; nhưng tích lũy và cống hiến được nhiều nhất phải ở độ tuổi 30 - 35, đây được coi là lực lượng đầu tàu trong thanh niên. "Bao giờ trong sự phát triển của thanh niên cũng phải có lực lượng đầu tàu để lôi kéo con tàu thanh niên", ông Kim kết luận. Ngoài ra, theo ông Kim, điều lệ của Hội LHTN Việt Nam quy định tập hợp thanh niên đến hết tuổi 35. Nếu theo dự luật này thì sẽ có khoảng 4 triệu thanh niên "cảm thấy hụt hẫng" vì là hội viên hội LHTN Việt Nam nhưng không nằm trong sự điều chỉnh của Luật Thanh niên. |
Thanh niên phải tự giáo dục mình
Đấu tranh vì quyền lợi của thanh niên, mong muốn bảo vệ thanh niên khỏi những thói hư, tật xấu nhưng các ĐBQH cũng không quên "tội" của một bộ phận thanh niên hiện nay thờ ơ trong ý thức công dân, hành xử thiếu văn hóa, sống buông thả, không có khát vọng, lười lao động... ĐB Phan Thị Thu Hà (Đồng Tháp) bức xúc: "Tất cả những cái đó đều được đổ lỗi cho xã hội, cho mặt trái của cơ chế thị trường mà không thấy được trách nhiệm của mỗi thanh niên". Bà Hà đồng ý nguyên tắc trong Luật Thanh niên phải là quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của thanh niên và đặc biệt nhấn mạnh đến "trách nhiệm của thanh niên trong thực thi pháp luật". "Nếu như thanh niên không nhận thức đúng đắn về trách nhiệm đối với xã hội, với gia đình và bản thân không gương mẫu chấp hành pháp luật để tích cực tham gia học tập, rèn luyện, xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh, lập thân, lập nghiệp, gia đình không mẫu mực giáo dục con em thì dù Nhà nước, các tổ chức xã hội có cố gắng đến đâu cũng không thể thực hiện thành công các chính sách về thanh niên", bà Hà quả quyết.
Và mặc dù thanh niên cũng là công dân, quyền và nghĩa vụ đã được điều chỉnh ở nhiều luật khác nhưng các ĐB cũng thống nhất đề nghị dự án Luật Thanh niên phải bổ sung các chế tài mang tính đặc trưng để xử lý trong trường hợp thanh niên từ chối học tập, từ chối làm việc, sa vào tệ nạn xã hội...
Tuyết Nhung
Bình luận (0)