Đa số ý kiến đều đồng tình với việc cần sửa đổi Luật HTX hiện hành để phù hợp với tình hình mới. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng nhiều nội dung trong dự thảo luật chưa theo sát với thực tế cuộc sống, dự thảo luật rườm rà, khó hiểu và có biểu hiện tụt lùi so với luật cũ (ban hành 2003).
Theo ĐB Đặng Văn Khanh (Hà Nội), dự thảo là bước lùi lớn so với Luật HTX năm 2003, nhiều nội dung không phù hợp với thực tiễn Việt Nam... Theo đó, nên kế thừa các nội dung của Luật HTX 2003, sửa đổi, bổ sung một số chi tiết nhỏ như: số lượng thành viên sáng lập HTX tối thiểu là 3, nơi đăng ký kinh doanh có thể ở cấp huyện hoặc tỉnh, thành phố, hồ sơ đăng ký hoạt động như doanh nghiệp; bỏ phần quy định về phân phối lãi (do Đại hội xã viên quyết định).
ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng cần xác định HTX là tổ chức kinh tế tập thể, hoạt động như một loại hình doanh nghiệp; các nguyên tắc HTX nên giữ nguyên như Luật HTX 2003; tài sản không chia nên quy định phần Nhà nước giao hoặc cấp, còn lại do Đại hội xã viên quyết định; xử lý tài sản HTX khi giải thể nên theo quy định của Luật Phá sản doanh nghiệp; về việc chia lãi và phân bổ các quỹ, ngoài quỹ dự phòng và quỹ phát triển, còn lại do Đại hội xã viên quyết định; Liên hiệp HTX nên có pháp nhân tham gia và có chương riêng về liên hiệp HTX; Liên minh HTX cần thiết phải đưa vào luật (có thể giữ như Luật HTX 2003)...
ĐB Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội) đặt câu hỏi: Tại sao điều 4 của dự thảo luật lại quy định HTX phải do ít nhất 7 thành viên hợp tác với nhau thành lập và liên hiệp HTX phải do ít nhất 4 HTX thành viên hợp tác thành lập?
Theo đại biểu Hoa, Ban soạn thảo cần làm rõ trên căn cứ, cơ sở nào và xuất phát từ đâu mà dự thảo luật lại đưa ra những con số cụ thể này.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) của QH, Hà Văn Hiền, khẳng định dự thảo Luật đưa ra nhiều quy định mới.
Theo ông Hà Văn Hiền, việc quy định số lượng tối thiểu 7 cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân tham gia HTX là cần thiết, vì nếu số lượng xã viên quá ít sẽ ảnh hưởng đến tính dân chủ trong tổ chức HTX; mục tiêu cung cấp dịch vụ cho xã viên sẽ khó bảo đảm, vì không ít HTX hiện nay chỉ thực hiện việc cung cấp dịch vụ ra thị trường...
ĐB Nguyễn Danh (Gia Lai) đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ việc có cho phép HTX, liên hiệp HTX thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc mua cổ phần của công ty khác hay không, vì dự thảo luật không quy định cụ thể về việc HTX có quyền thành lập doanh nghiệp trực thuộc hay không nhưng vẫn đề cập khái niệm doanh nghiệp trực thuộc HTX tại các quy định về thủ tục chia tách HTX (Ðiểm a, Khoản 2, Ðiều 55 và Ðiểm c, Khoản 2, Ðiều 73).
ĐB Nguyễn Danh (Gia Lai) phát biểu - Ảnh: Ngọc Thắng |
Về vấn đề này, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng cần cân nhắc việc cho phép HTX thành lập công ty, góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp khác nhằm bảo đảm HTX được thành lập là để phục vụ nhu cầu của thành viên, tránh rủi ro cho HTX.
Ngoài ra, nếu cho phép mua cổ phần của các doanh nghiệp khác nhưng khi chia cổ tức trong HTX phải căn cứ theo mức độ sử dụng dịch vụ thì cũng sẽ không hợp lý, dễ gây nên xung đột về lợi ích giữa việc HTX đầu tư sinh lời và mục tiêu phục vụ thành viên.
ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) phân tích nếu đã xem HTX là tổ chức kinh tế tự chủ, bình đẳng với các loại hình kinh tế khác trong cơ chế thị trường thì không thể không cho phép HTX thành lập công ty trực thuộc hoặc góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp khác.
Nhiều đại biểu cũng nêu ý kiến nếu cho phép HTX thành lập công ty, góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác có thể làm cho HTX xa rời bản chất và mục đích hoạt động là để phục vụ các thành viên trên cơ sở tài sản chung không chia; đồng thời, tăng thêm rủi ro cho hoạt động HTX.
Thành Lương
Bình luận (0)