Quốc hội... triệu phú

15/07/2011 11:46 GMT+7

* Thượng viện Mỹ có 66 triệu phú và hạ viện có 179 triệu phú Quốc hội Mỹ được gọi là một câu lạc bộ gồm 245 triệu phú. Căn cứ vào số liệu mới nhất, thượng viện có 66/100 triệu phú (29 người thuộc Đảng Cộng hòa, 35 thuộc Đảng Dân chủ, 2 nghị sĩ độc lập) và hạ viện có 179/435 triệu phú (109 người thuộc Đảng Cộng hòa, 70 thuộc Đảng Dân chủ).

Như vậy, 66% thượng nghị sĩ và 41% hạ nghị sĩ là triệu phú, trong khi chỉ 1% người dân Mỹ là triệu phú. Ở thượng viện, thượng nghị sĩ Dân chủ John Kerry là người giàu nhất với tài sản trị giá  gần 239 triệu USD; còn ở hạ viện, hạ nghị sĩ Cộng hòa Darrell Issa giàu nhất với tài sản khoảng 303,5 triệu USD.

 

Nghị sĩ Darrell Issa - Ảnh: Getty Images

Cơ hội làm giàu

Theo Trung tâm phản hồi chính trị Mỹ (CRP), một tổ chức nghiên cứu phi đảng phái ở Washington, cuộc bầu cử năm 2010 đã làm xuất hiện một đội ngũ thượng nghị sĩ có tài sản trung bình trị giá gần 4 triệu USD. Bên cạnh đó, tài sản trung bình của các thành viên hạ viện hiện trị giá hơn 500.000 USD.

Đài CBS News cho biết có nhiều yếu tố góp phần tạo nên bức tranh này. Trước hết, các cuộc vận động tranh cử ngày càng trở nên tốn kém hơn nên người có thu nhập khiêm tốn gặp khó khăn hơn khi tranh cử. Vì thế, các đảng tích cực tuyển mộ những ứng cử viên giàu có. Hơn nữa, một khi đã trúng cử, các nghị sĩ sẽ có được mối quan hệ và thông tin mà họ sử dụng để làm tăng tài sản của mình. Sau khi các chính khách này rời khỏi chức vụ, các mối quan hệ sẽ cho phép họ sinh lợi nhuận hơn nữa.

Chi phí tranh cử cao

Số tiền một ứng cử viên quốc hội cần chi ngày càng nhiều hơn. Theo Viện Tài chính vận động tranh cử, một cuộc vận động tranh cử thượng viện năm 2010 trung bình tốn hơn 8 triệu USD, so với gần 6 triệu USD năm 2000 và hơn 2,5 triệu USD năm 1990. Bên cạnh đó, chi phí vận động tranh cử hạ viện năm 2010 là hơn 1,1 triệu USD, so với dưới 700.000 USD năm 2000 và hơn 320.000 USD năm 1990.

Ông Dave Levinthal, người phát ngôn của CRP, cho biết tài sản bình quân ước tính của các nghị sĩ Mỹ vượt xa tài sản của người dân. Ngoài ra, tài sản cá nhân của họ vẫn tiếp tục gia tăng. Ông Levinthal nhấn mạnh: “Hầu hết người dân Mỹ đều được đại diện bởi những người đứng đầu nhóm có nguồn tài chính cao nhất”.

Người thân cũng hưởng lợi

Một khi ứng cử viên lọt vào quốc hội, người này sẽ có những cơ hội mới để làm tăng thêm tài sản của mình. Chẳng hạn, một nghị sĩ biết rằng một dự luật sắp ban hành sẽ bảo đảm cho một công ty nhận được hợp đồng chính phủ lớn, từ đó có thể làm tăng giá cổ phiếu của công ty này,

Ngoài ra, đôi khi vợ (chồng) hoặc thành viên gia đình của nghị sĩ cũng có thể làm lợi cho mình. Ông Craig Holman, người vận động hành lang các vấn đề của chính phủ cho tổ chức bảo vệ người tiêu dùng Public Citizen, khẳng định: “Chúng tôi phát hiện một phương cách thực sự hiệu quả cho một công ty mà không hối lộ cho một nghị sĩ nào là tuyển dụng người bạn đời của họ. Họ sẽ được trả mức lương cao và thực tế là số tiền này đã chui thẳng vào túi của vị nghị sĩ đó”. Trước khi nghỉ hưu năm ngoái,  thượng nghị sĩ Dân chủ Evan Bayh là đối tượng bị săm soi kỹ lưỡng bởi vì vợ ông có thu nhập hơn 1 triệu USD mỗi năm do có chân trong hội đồng quản trị nhiều công ty thuộc lĩnh vực dược phẩm và bảo hiểm.

Thậm chí khi nghị sĩ nghỉ hưu, họ còn có nhiều cơ hội kiếm tiền hơn. Theo Public Citizen, trong khoảng thời gian từ năm 1998 – 2006, 43% nghị sĩ Mỹ đã làm công việc vận động hành lang sau khi rời khỏi quốc hội, với mức lương trung bình hằng năm 2 triệu USD.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.