Ban Đối ngoại được thành lập tại phiên họp quốc hội thường niên diễn ra vào ngày 11.4, theo hãng thông tấn Triều Tiên KCNA. Đứng đầu ban này là Phó chủ nhiệm Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên Ri Su-yong. Ông Ri giữ chức Ngoại trưởng Triều Tiên từ năm 2014-2016, được cho là người bảo vệ nhà lãnh đạo Kim Jong-un khi ông Kim học tại một trường quốc tế ở Thụy Sĩ trong thập niên 1990, theo Yonhap.
Ban Đối ngoại thuộc quốc hội Triều Tiên còn có nhiều thành viên khác như lãnh đạo cơ quan xử lý các vấn đề liên Triều Ri Son-gwon và Thứ trưởng Ngoại giao Kim Kye-gwan. Trong đó, ông Kim Kye-gwan là một nhà ngoại giao kỳ cựu về các vấn đề liên quan đến Mỹ, từng làm đặc phái viên của Triều Tiên tham gia vòng đàm phán hạt nhân 6 bên, gồm hai miền Triều Tiên, Mỹ, Nhật, Nga và Trung Quốc, theo Yonhap.
tin liên quan
Triều Tiên họp quốc hội giữa lúc căng thẳng leo thangPhiên họp ngày 11.4 của Hội đồng nhân dân tối cao Triều Tiên khóa 13 diễn ra trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực đang có nhiều biến động.
Việc lập lại Ban Đối ngoại diễn ra trong bối cảnh có suy đoán về khả năng Mỹ tấn công phủ đầu Triều Tiên nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Trong khi đó, Triều Tiên được cho là sẽ tiến hành đợt thử hạt nhân hoặc phóng tên lửa tầm xa mới xung quanh một số sự kiện trọng đại trong tháng 4.
tin liên quan
Bóng mây chiến tranh trên bán đảo Triều TiênNhiều người dân Hàn Quốc lo ngại chiến tranh có thể bùng nổ trên bán đảo Triều Tiên trong tháng này sau khi có nhiều tin đồn xuất hiện.
Giới phân tích nhận định Bình Nhưỡng dường như muốn dùng Ban Đối ngoại làm cơ quan phụ trách giải quyết các quan hệ với Hàn Quốc và thế giới bên ngoài giữa lúc bị cô lập về ngoại giao. “Sau cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc vào tháng 5, Triều Tiên có thể sẽ có nhiều động thái nhằm cải thiện quan hệ với thế giới bên ngoài”, Yonhap dẫn lời nhà nghiên cứu Cheong Seong-chang tại Viện Nghiên cứu Sejong (Hàn Quốc) nhận định.
Trong khi đó, một nhà ngoại giao Hàn Quốc cho rằng còn quá sớm để có thể đánh giá vai trò của Ban Đối ngoại nói trên. “Chúng ta cần phải xem liệu Triều Tiên sẽ có hành động khiêu khích nữa hay không mới có thể đánh giá ý định của họ về việc khôi phục Ban Đối ngoại”, Yonhap dẫn một nguồn tin ngoại giao Hàn Quốc nhấn mạnh.
Bình luận (0)