Cử tri đến khóc mà đại biểu Quốc hội lực bất tòng tâm, đại biểu thấy mình như người chuyển thư, kiến nghị nhiều mà giải quyết không bao nhiêu... là những món nợ khiến nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trăn trở, trong những ngày làm việc cuối cùng, trước khi kết thúc một nhiệm kỳ QH nhiều sôi động.
Và “quyền to nhưng lực rất yếu”, là kết luận của ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), để lý giải cho tình trạng lực bất tòng tâm của ĐBQH này.
Thế nên rất có lý khi Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền phủ nhận bản báo cáo đẹp, rằng: “Không thể có chuyện 100% số ĐBQH đều hoàn thành tốt nhiệm vụ là người đại diện của dân”. Sự thực thì, chúng ta không có công cụ để đánh giá vai trò người đại diện cho dân của ĐBQH. Do vậy, những ĐB hoạt động rất tích cực, hiệu quả ở QH, cũng giống với những người cả nhiệm kỳ không một lần phát biểu, không một lần có ý kiến cho quyền lợi của những người dân đã bỏ lá phiếu ủy quyền cho mình. Công cụ ấy, lẽ ra, tốt nhất phải là để cho cử tri “chấm điểm”, hay nói đúng hơn là có cơ chế để sinh mệnh chính trị của các ĐBQH thực sự phụ thuộc vào lá phiếu của cử tri. Còn nếu không thì sẽ chỉ có các ĐB “đi họp đủ”, chứ không có người đại diện tốt.
Cái khó hiện nay chính là, chúng ta nói QH của dân, do dân và vì dân, nhưng cử tri không có bất cứ hình thức nào để thể hiện sự tín nhiệm hay không tín nhiệm đối với một ĐB trong suốt nhiệm kỳ.
Để QH thực sự là “QH trong lòng dân” có vẻ còn rất nhiều việc phải làm. Đầu tiên nằm ở cơ chế “chọn mặt gửi vàng” - cử tri tìm người đại diện cho mình. Theo luật thì 5 tiêu chuẩn ĐB lần lượt là: trung thành với Tổ quốc; có phẩm chất đạo đức tốt; có trình độ, năng lực; liên hệ chặt chẽ với nhân dân và có điều kiện tham gia hoạt động ở cơ quan dân cử, đều khá trừu tượng. Đấy là lý do là dù quy trình lựa chọn chặt chẽ, QH cuối cùng vẫn có những ĐB thiếu năng lực, thiếu bản lĩnh, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm pháp luật. Thứ hai, “cơ cấu” ở QH, cũng là rào cản khiến cho QH “quyền to mà lực yếu”.
Và cuối cùng, hiệu lực của QH nằm ở tổ chức và phương thức hoạt động. Là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất nhưng QH phải thừa nhận chưa thực hiện hết thực quyền mà pháp luật quy định. Hoạt động giám sát hạn chế, mối quan hệ công tác với các cơ quan hữu quan còn lúng túng, không chặt chẽ. Các vấn đề bức xúc không tìm được người chịu trách nhiệm.
Đằng sau mỗi ĐBQH là gần 200.000 dân. Dù chỉ một vài phần trăm trong con số 500 ĐB không làm tròn trách nhiệm mà cử tri đã ủy quyền cho mình cũng có nghĩa là tiếng nói của hàng trăm nghìn người dân chưa đến được với QH. Thách thức ấy của nhiệm kỳ 13 vẫn đang còn gửi lại cho QH khóa mới.
Bình luận (0)