Quốc hội Trung Quốc thông qua luật thuế quan

Bảo Hoàng
Bảo Hoàng
27/04/2024 09:10 GMT+7

Cơ quan lập pháp Trung Quốc ngày 26.4 đã thông qua luật thuế, giữa lúc xuất hiện những căng thẳng thương mại với phương Tây.

Reuters đưa tin luật thuế mới đề ra một loạt quy định pháp lý liên quan đến thuế quan đối với hàng xuất nhập khẩu của Trung Quốc, từ thành phần cấu thành các ưu đãi thuế cho đến quyền của Trung Quốc trong việc đáp trả các quốc gia vi phạm hiệp định thương mại.

Luật đã được thông qua trong phiên họp của Ủy ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội) và sẽ có hiệu lực vào ngày 1.12.2024. Hãng thông tấn Tân Hoa xã cho hay trong số 18 loại thuế hiện có của nước này, Trung Quốc đã ban hành luật về 13 loại thuế.

Hoạt động tại cụm cảng Ninh Ba - Châu Sơn, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc năm 2021

Hoạt động tại cụm cảng Ninh Ba - Châu Sơn, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc năm 2021

REUTERS

Điều 17 của luật mới nêu rõ Trung Quốc có thể áp dụng “nguyên tắc có đi có lại” đối với các thị trường mà nước này đã ký thỏa thuận thương mại ưu đãi, tức nếu một quốc gia vi phạm thỏa thuận và tăng thuế hàng hóa, Bắc Kinh có thể đáp trả bằng việc áp lại mức thuế tương đương.

Quyết định từ giới lập pháp Trung Quốc được thực hiện cùng thời điểm Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có ngày làm việc cuối cùng trong chuyến thăm nước này, trong đó đưa ra những lo ngại về hàng xuất khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sẽ cân nhắc tăng thuế gấp 3 với các sản phẩm thép của Trung Quốc vì cho rằng doanh nghiệp Mỹ đang gặp cạnh tranh không công bằng. Bộ Thương mại Trung Quốc kiên quyết phản đối, nói rằng đây là hành động của chủ nghĩa bảo hộ và Washington đã mang những cáo buộc vô căn cứ, theo Tân Hoa xã.

Quốc hội Mỹ quyết ép TikTok cắt liên kết Trung Quốc

Không chỉ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) cũng đang cân nhắc áp thuế với xe điện từ Trung Quốc. Ngoài ra, EU hôm 24.4 mở một cuộc điều tra về hoạt động mua sắm các thiết bị y tế công cộng của Trung Quốc. Bắc Kinh coi động thái này sẽ "làm tổn hại hình ảnh của EU", kêu gọi Brussels ngưng sử dụng bất kỳ lý do nào để trừng phạt vào hoạt động kinh doanh của Trung Quốc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.