Quốc hội và việc ủy quyền

25/07/2011 00:53 GMT+7

Nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XIII đã bắt đầu bằng việc quan trọng nhất: quyết định nhân sự cho những thiết chế cơ bản của nền quản trị quốc gia (các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, TAND và Viện KSND tối cao).

Các thiết chế này sắp tới sẽ vận hành như thế nào; chúng thúc đẩy dân sinh, dân quyền và dân chủ được đến đâu phụ thuộc rất nhiều vào nhân sự của những người đứng đầu mà các vị đại biểu Quốc hội đang bầu chọn hoặc phê chuẩn. Muốn hay không, người đứng đầu bao giờ cũng có một vai trò hết sức to lớn. Kinh nghiệm về sự phát triển ngoạn mục của thành phố Đà Nẵng cho chúng ta thấy rất rõ điều này. Cùng một khuôn khổ pháp luật, cùng một cách thức thiết kế hệ thống quản trị, cùng một nền tảng văn hóa, thế nhưng một nhà lãnh đạo dám làm, dám chịu trách nhiệm vẫn có thể làm nên sự khác biệt.

Chúng ta hiểu, hoạt động bầu chọn hoặc phê chuẩn của Quốc hội chỉ là một công đoạn của quy trình nhân sự. Tuy nhiên, đây là một công đoạn hết sức quan trọng. Bởi vì chỉ có Quốc hội được cử tri cả nước bầu ra mới có đủ thẩm quyền để đưa lại sự hợp pháp và sự chính danh cho các quan chức cao cấp của Nhà nước. Việc bầu hoặc phê chuẩn của Quốc hội thực chất là một sự ủy quyền phái sinh: nhân dân ủy quyền cho Quốc hội; Quốc hội ủy quyền tiếp cho các quan chức cấp cao của nhà nước. Không có sự ủy quyền của Quốc hội vì vậy không thể có được quyền lực nhà nước một cách hợp pháp và chính danh. Người dân chỉ ủy quyền cho Quốc hội, Quốc hội lại ủy quyền tiếp cho các quan chức khác của Nhà nước, thì Quốc hội phải có tinh thần trách nhiệm rất cao. Các vị đại biểu Quốc hội vì vậy cũng phải xem xét từng nhân sự cho các chức danh một cách cẩn trọng và toàn diện. Hiện nay, pháp luật của nước ta chưa quy định về việc các ứng cử viên phải điều trần trước Quốc hội như nhiều nước vẫn làm. Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội vẫn có thể có được thông tin thông qua hồ sơ và lý lịch công tác của các ứng cử viên. Các vị đại biểu cũng có thể đề nghị cung cấp thêm thông tin khi thấy cần thiết.

Việc bầu cử và phê chuẩn các quan chức cao cấp của Nhà nước là rất quan trọng, nhưng quan trọng không kém sẽ là việc giám sát các vị quan chức này. Quyền giám sát của Quốc hội chính là hệ quả phát sinh từ sự ủy quyền của Quốc hội. Quốc hội ủy quyền cho các quan chức thì Quốc hội có quyền (và có trách nhiệm) giám sát các quan chức này. Sắp tới các quan chức cao cấp của nhà nước sẽ có điều kiện lãnh đạo và điều hành công việc của đất nước hiệu quả hơn, sâu sát hơn, nếu sự giám sát của Quốc hội cũng hiệu quả và sâu sát như vậy.

TS Nguyễn Sĩ Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.