“Quốc phục trong cuộc thi hoa hậu rất khác”
Công ty Hoàn Vũ (đơn vị giữ bản quyền đưa thí sinh VN dự thi Hoa hậu Hoàn vũ - HHHV) đã tự đứng ra tổ chức cuộc thi Tuyển chọn thiết kế quốc phục nhằm tìm ra chiếc áo đẹp nhất cho đại diện VN (Á hậu 2 HHHV VN Lệ Hằng) tại cuộc thi HHHV 2016 (diễn ra vào tháng 1.2017 ở Philippines). Giải thích về tên gọi cuộc thi, ông Trần Ngọc Nhật (đồng Trưởng ban tổ chức HHHV VN) nói: “Ở các cuộc thi lớn trên thế giới đều có phần thi quốc phục, tiếng Anh là “National costume” (trang phục quốc gia). Với HHHV, họ vẫn gọi quốc phục. Chúng tôi muốn không chỉ gò bó trong hình ảnh tà áo dài nên đã tổ chức cuộc thi này”.
|
|
Bà Thúy Nga, Giám đốc Elite VN, cho rằng phải hiểu “quốc phục” theo nghĩa rộng: “Quốc phục tại các cuộc thi nhan sắc phải hiểu theo nghĩa rộng hơn là trang phục truyền thống của quốc gia đó, không theo kiểu nghi lễ nhà nước và chỉ mang tính biểu tượng. Quốc phục trong cuộc thi hoa hậu rất khác, là sự thể hiện văn hóa của dân tộc qua hoa văn, qua đường nét, qua phom dáng. Vì thế, nên hiểu từ quốc phục đó một cách ước lệ”.
Không thể tùy tiện gọi Quốc phục
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, cho rằng “Gọi quốc phục là do phía đi thi và giới truyền thông” và khẳng định “Gọi vậy không chính xác”. Nhà thiết kế Thuận Việt nhiều lần thiết kế trang phục cho người đẹp VN thi thế giới cũng thẳng thắn: “Theo tôi nên rõ ràng hơn giữa trang phục truyền thống và quốc phục. Vì quốc phục là đại diện cho cả quốc gia, còn trang phục dân tộc, truyền thống có thể lấy ý tưởng từ những họa tiết, chất liệu, văn hóa dân tộc. Việc xác định quốc phục VN như thế nào thì đến giờ vẫn chưa rõ ràng. Chiếc áo dài đã trở thành hình ảnh đại diện cho người phụ nữ VN nhưng giờ vẫn chưa được công nhận là quốc phục. Cũng không nên lấy cớ chọn ý tưởng, họa tiết, chất liệu dân tộc rồi muốn làm kiểu gì thì làm, sau đó gọi là trang phục dân tộc hay quốc phục như một số nhà thiết kế hay đơn vị đưa thí sinh đi thi tự xưng”.
|
|
Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, lưu ý hiện nay theo quy định văn bản thì chưa có quốc phục. “Vì thế, với những bộ trang phục như nói trên chỉ nên gọi đó là trang phục dân tộc thôi. Phần lớn các thí sinh đi thi hoa hậu ở nước ngoài vẫn dùng áo dài. Chính vì thế, theo tôi nên dùng từ trang phục dân tộc, chứ không thể lạm dụng từ quốc phục được”, ông Chương nói.
Vẫn chưa chọn được lễ phục nhà nước
Việc chọn quốc phục đã manh nha trong Lễ hội hoa xuân và đồ uống tết năm 2011 (do Bộ VH-TT-DL tổ chức). Trong lễ hội này, nhà tổ chức đã triển lãm một số bộ trang phục, lễ phục vua quan triều Nguyễn, giới thiệu hình ảnh, tư liệu về triều phục các thời Lý, Trần, Lê... Sau lễ hội, ban tổ chức còn thành lập hội đồng tuyển chọn, triển lãm, xây dựng đề án, tổ chức hội thảo, tổ chức thi thiết kế quốc phục với sự tham gia của các nhà thiết kế, công ty thời trang, công ty dệt may..., cũng như lấy ý kiến khán giả.
Sau đó, cuộc thi Tuyển chọn thiết kế lễ phục nhà nước đã được Bộ VH-TT-DL giao cho Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức. Năm 2014, cục này đã nhận về khoảng 300 mẫu thiết kế dự thi. Thế nhưng, ban tổ chức cho biết vẫn không chọn được mẫu nào trong 300 mẫu này và quyết định mời hơn 10 nhà thiết kế hàng đầu VN thiết kế và làm mẫu thật để chọn.
Sau nhiều tranh luận, bàn luận... đến nay, theo họa sĩ Vi Kiến Thành: “Chúng tôi tạm dừng cuộc thi vì không chọn được mẫu nào đúng tiêu chí đặt ra; không đạt yêu cầu. Dừng lại còn có nhiều lý do, trong đó có dư luận, truyền thông cho là tiếp tục làm sẽ lãng phí”. Ông cho biết thêm, hiện đang mời các nhà tạo mẫu thiết kế trang phục phục vụ cho Hội nghị APEC (diễn ra tại VN trong năm 2017 - NV). (D.L)
|
Bình luận (0)