"Cấm chat khi chơi" - một xu hướng lạ của làng game

02/05/2014 09:00 GMT+7

Nói chuyện là một phần tất yếu của MMO, nhưng có những game muốn bạn phải im miệng và thưởng thức.

“Cổ tích”

Ngày nảy ngày nay, xứ sở game online rộng lớn là nơi sinh sống của những cư dân mạng. Do bạn cũng đang đọc những dòng này, tôi đoán chắc chúng ta đều là những công dân của xứ sở này với quyền tự do “chat chit”. Lời nói không mất tiền mua (dù đôi khi mất tiền nghe), nhưng khi lãnh thổ của xứ game online càng mở rộng, bỗng nhiên một số người lại mất đi “quyền được nói” của mình bởi ngài thị trưởng của những vùng lãnh thổ mới ra quyết định cấm cư dân của mình… mở miệng khi ở đó.

Nghe có vẻ như đó là những vị thị trưởng chuyên quyền độc đoán, nhưng có phải đó là sự thật không?

 

Game có bạn bè sẽ vui hơn (Ảnh: GG)

Để biết tại sao các ngài thị trưởng mới buộc công dân của mình phải câm mồm, những học giả xứ game đã phải xem xét kỹ quyền nói chuyện có tác dụng gì trong xứ sở game. Họ thấy rằng nó là một phần cực kỳ quan trọng giúp dân cư xứ sở game đoàn kết cùng nhau. Với nếp sống bình lặng và êm đềm, chẳng hạn kéo nhau đi choảng những con quái đáng yêu, cướp bóc lũ trùm tội nghiệp hay buôn gươm bán súng, mọi hoạt động thường ngày của cư dân đều xoay quanh quyền được nói - họ phải tìm kiếm đồng đội, tán gẫu với bạn bè, ca hát cho mọi người nghe hay phát biểu “ý kiến cá nhân” giữa đám đông.

Quyền được nói đã giúp dân cư gắn bó với nhau, với nơi ở của mình, giữ họ không “chuyển nhà” hay trực tiếp bỏ xứ ra đi.

 

MOBA - một trào lưu mới của làng game thế giới (Ảnh: PCGamer)

Tuy nhiên, khi nhìn sang các vùng lãnh thổ mới mà đa phần là MOBA (multiplayer online battle arena), các học giả xứ game lại thấy những điều không hay. Do tính đối kháng rất cao và cư dân những nơi này thường bị nhồi nhét vào những phòng nhỏ 5-10 người, ngôn từ của một số game thủ đôi khi không mấy lành mạnh và khiến những người còn lại mất vui.

LMHT - tựa MOBA phổ biến nhất hiện tại có giải pháp lọc chat và “bịt miệng” những kẻ như thế, nhưng đó là khi sự đã rồi và đã có người chịu phiền hà bởi những hàng xóm xấu tính của mình. Những người giữ trật tự cho các tựa MOBA thường chăm chỉ xử phạt những kẻ xấu tính nhưng điều đó thường mất khá nhiều thời gian và đôi khi bỏ sót “tội phạm”. Vì thế, những người mở đất cho xứ sở game online đã phải viện đến giải pháp loại bỏ hoàn toàn việc chat chit giữa đối thủ với nhau.

Và hiện thực…

Với đặc tính phối hợp đồng đội, MOBA luôn phải cho phép game thủ trong cùng đội chat với nhau nếu họ không có những công cụ khác như Teamspeak, Raidcall… nhưng việc cấm chat đối thủ tỏ ra hợp lý bởi mâu thuẫn ảo trong game thường dẫn đến đấu khẩu qua bàn phím và phá hủy niềm vui của tất cả mọi người.

Smite, LMHT là hai tựa game chọn phương án cho phép game thủ tắt - mở chat tùy ý, nhưng biện pháp này không thể chống được những kẻ mở mồm là văng tục trong game. Ngay cả Strife với biện pháp hoàn toàn cấm chat giữa đối thủ với nhau cũng không ổn vì đôi khi kẻ phá bĩnh đến từ nội bộ, nhưng bù lại game cho phép người chơi tự chọn mình muốn chat với ai trong game. “Cực đoan” nhất là Solstice arena, hoàn toàn cấm chat tất cả mọi người trong các trận đấu.

 

Menu nhanh từ phím Alt của LMHT

Để bù lại cho khả năng cấm chat tất cả những ai mình muốn, game thủ MOBA thường được dùng một hệ thống ra hiệu (chẳng hạn menu từ phím Alt của LMHT hay V của Smite). Những dấu hiệu đơn giản này khá hữu hiệu nhưng đôi khi game thủ không hài lòng bởi chúng không có đủ mọi thông tin cho các tình huống trong game.

Nhìn chung tất cả những biện pháp hạn chế hành vi xấu mà các tựa MOBA áp dụng đều có tác dụng tích cực, dù đôi khi để lọt lưới do đặc trưng của thể loại này đòi hỏi sự giao tiếp giữa game thủ với nhau. Tuy nhiên, khi đến với những tựa game thi đấu đối kháng trực tiếp, việc cấm chat là hoàn toàn khả thi và thường đem lại cho game thủ trải nghiệm game tuyệt vời hơn rất nhiều.

 

Hearthstone - im lặng là vàng

Minh chứng cụ thể cho điều này là những tựa game song đấu (fighting) hoặc đấu bài (card battle). Đặc trưng của chúng là những trận thi đấu 1 vs 1, nhưng nếu người chơi game song đấu chẳng có thời gian để chat nếu không muốn bị ăn đòn thì người chơi game đấu bài lại có rất nhiều thời gian rỗi có thể dùng để chat.

Hearthstone, tựa game đấu bài nhắm tới game thủ casual của Blizzard là một ví dụ - bạn không thể chat với đối thủ của mình trong thời gian thi đấu mà chỉ có thể chọn một số biểu tượng (emote) để bày tỏ cảm xúc của mình, còn nếu muốn nói chuyện trực tiếp, bạn và đối thủ phải là bạn bè trên Battle.net. Điều này giúp cả bạn lẫn đối thủ đều có những giờ phút vui vẻ khi tham gia các trận đấu trong game, tạo nên một cộng đồng khá lành mạnh và dễ dàng vượt qua rào cản ngôn ngữ.

 

Đừng để giận quá mất khôn.

Quả thật việc cấm chat là một giải pháp có vẻ như đi ngược lại mục đích của những game online khi “không sửa được thì cấm”, nhưng nó tỏ ra khá hiệu quả trong việc giúp game thủ giảm bớt sự bực mình từ những người không quen biết. Nhưng dù hiệu quả đến mức nào, đó cũng chỉ là giải pháp trị phần ngọn bởi bản thân game thủ mới là kẻ có quyền quyết định trải nghiệm game của mình lẫn người xung quanh là tốt hay xấu. Đừng thốt ra những lời xấu xí làm mọi người mất vui chỉ vì mâu thuẫn với một vài "kẻ ác" trong game.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.