Như Thanh Niên thông tin, trước kỳ điều hành giá xăng dầu vừa qua (21.8), giá dầu thế giới có một tuần giảm hơn 2% và đặc biệt có 2 phiên giảm liên tiếp vào cuối tuần. Khi đó, nhiều ý kiến kỳ vọng cơ quan điều hành sẽ "xả" mạnh Quỹ bình ổn giá xăng dầu để giá xăng dầu trong nước có thể giảm sau 4 lần tăng liên tục.
Thế nhưng, giá xăng dầu tiếp tục tăng với hầu hết các mặt hàng. Trong thông cáo báo chí phát đi chiều 21.8, Bộ Công thương lý giải giá xăng dầu tăng là do bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá từ ngày 11 - 21.8 tăng. Với diễn biến trên, Bộ Công thương tiếp tục không thực hiện trích lập vào Quỹ bình ổn giá xăng dầu với tất cả các mặt hàng, nhưng cũng không sử dụng.
Đáng nói, từ đầu năm đến cuối tháng 7, Quỹ bình ổn giá xăng dầu tăng mạnh nhưng việc chi rất nhỏ giọt và không được duy trì trong những thời điểm giá thế giới tăng mạnh. Trong khi về nguyên tắc, Quỹ bình ổn giá xăng dầu phải được chi khi giá xăng
Trong 2 năm qua, rất nhiều ý kiến của chuyên gia, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đề xuất nên bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Lý do duy nhất là nó đã "hết phép", hết giá trị sử dụng. Đầu năm 2022, trong tâm thư gửi Bộ Công thương, UBND TP.HCM và Sở Công thương TP.HCM, nhóm 24 doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu khẳng định Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang không hỗ trợ nền kinh tế, không có ích cho người tiêu dùng và gây bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, giữa nhà bán buôn và bán lẻ. Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng kiến nghị bỏ quỹ này để xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường.
Có cũng như không
Nhiều bạn đọc (BĐ) Thanh Niên cho rằng Quỹ bình ổn giá xăng dầu không còn thể hiện được chức năng bình ổn giá, có cũng như không. "Có ai đã thấy được các tác dụng của quỹ bình ổn này trong 3 năm gần đây không, riêng mình chưa thấy "bình ổn" gì với quỹ này khi mà giá xăng dầu tăng. Đúng là có cũng như không", BĐ Hana Thi bức xúc.
Cùng quan điểm, BĐ Hồ Thảo ý kiến: "Quỹ bình ổn giá xăng dầu lập ra để bình ổn giá của thị trường, nhưng đơn giá thế giới giảm mà đơn giá trong nước lại tăng. Giá xăng dầu tăng ảnh hưởng đến giá của tất cả loại hàng hóa. Đề nghị xem xét lại điều hành của quỹ này".
"Vấn đề này từ chuyên gia, doanh nghiệp cho đến người dân đều thấy rõ. Giá giảm thì trích cũng không sao, đằng này nhiều đợt xăng dầu tăng giá vẫn trích quỹ. Không hiểu quỹ này hoạt động vì mục đích gì", BĐ Regulus nêu.
Nếu không hiệu quả thì nên bỏ
Nhiều ý kiến cho rằng nếu Quỹ bình ổn giá xăng dầu không bình ổn được giá như tên gọi của nó thì mạnh dạn bỏ. "Gọi tên là quỹ bình ổn nhưng thực chất không ổn một tí nào. Giá xăng tăng nhưng quỹ cũng chẳng có hành động gì và cũng chẳng kiềm chế được giá. Nếu không còn tác dụng gì thì tốt nhất là bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu", BĐ Hữu Trọng thẳng thắn.
"Chúng ta đề cập đến kinh tế thị trường, hãy để thị trường tự động điều tiết", BĐ Duc Thanh ý kiến.
"Bỏ quỹ bình ổn là hợp lý, không ai thấy được lợi ích của quỹ bình ổn, nó chỉ làm cho việc quản lý giá xăng dầu khó khăn, không thể kiểm soát được", BĐ Xuân Võ thẳng thắn.
Bình luận (0)