Bảo lãnh Chính phủ là bảo lãnh có tính pháp lý cao nhất tại Việt Nam. Cam kết bảo lãnh Chính phủ được thực hiện dưới hình thức thư bảo lãnh hoặc hợp đồng bảo lãnh. Chính phủ chỉ cấp bảo lãnh, không cấp tái bảo lãnh.
Đối tượng được xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ (người được bảo lãnh) là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng trong nước thuộc mọi thành phần kinh tế trực tiếp ký thoả thuận vay với người cho vay nước ngoài theo phương thức tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ để thực hiện chương trình, dự án đầu tư hoặc tín dụng và có đủ điều kiện quy định tại Điều 8 Quy chế này.
Các loại hình chương trình dự án vay nước ngoài được xem xét cấp bảo lãnh: Chương trình, dự án đầu tư trọng điểm được Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Chương trình, dự án nhập các thiết bị công nghệ cao để sản xuất hàng hoá, cung cấp dịch vụ xuất khẩu và chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên đầu tư của Nhà nước, có khả năng trả được nợ. Chương trình, dự án được tài trợ bằng khoản vay thương mại đi cùng nguồn vốn ODA tạo thành nguồn vốn tài trợ dưới dạng tín dụng hỗn hợp. Chương trình, dự án vay của các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước thẩm định và đề nghị cấp bảo lãnh Chính phủ.
Mức bảo lãnh không vượt quá 80% tổng mức đầu tư của chương trình dự án, bao gồm cả phí bảo hiểm và lãi vay trong thời gian xây dựng. Mức bảo lãnh phải nằm trong hạn mức bảo lãnh hàng năm được Bộ Tài chính cân đối tính toán trên cơ sở hạn mức thương mại nước ngoài hàng năm của doanh nghiệp và tổ chức thuộc khu vực công và dự báo vay nước ngoài hàng năm của khu vực tư nhân được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kẻ từ ngày đăng Công báo. Quyết định này thay thế Quyết định số 233/1999/QĐ-TTg ngày 20 tháng 12 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế bảo lãnh Chính phủ đối với các khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng.
Theo TTXVN
Bình luận (0)