Quy chế riêng cho trường nghệ thuật

09/06/2012 03:26 GMT+7

Đánh giá sinh viên (SV) khối ngành nghệ thuật theo một tiêu chuẩn riêng hay theo quy chế chung là vấn đề đang đặt ra cho các trường đào tạo năng khiếu.

Nghệ thuật phải đánh giá kiểu... nghệ thuật

Nhạc viện TP.HCM vừa ký quyết định cho thôi học hơn 30 SV, trong đó có cả những người đã theo học cả chục năm. Tiến sĩ Văn Thị Minh Hương - Giám đốc Nhạc viện TP.HCM - cho biết: “Có những em càng học năng khiếu càng phát lộ, nhưng cũng có nhiều em khi tuyển đầu vào rất giỏi nhưng vài năm sau chững lại. Những em không phát triển được thì nhà trường phải khuyên các em chuyển hướng học nghề khác”.

trường nghệ thuật 
Một buổi thi tuyển năng khiếu vào Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM - Ảnh: Mỹ Quyên

Ông Lê Ngọc Hóa - Hiệu trưởng Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật TP.HCM - nhấn mạnh: “Học các ngành như đạo diễn, diễn viên, thanh nhạc… đòi hỏi năng khiếu và sự nỗ lực rèn luyện không ngừng. Điểm chuyên môn chỉ đạt 4 trở xuống là rất tệ. Cho đến nay, các trường đào tạo nghệ thuật vẫn làm theo quy chế chung của Bộ dù việc đánh giá theo khung điểm đó chưa phù hợp lắm đối với các ngành học năng khiếu”. Cùng nhận định, tiến sĩ Phan Thị Bích Hà  cho rằng: “Một SV học ngành nghệ thuật mà điểm chuyên môn chỉ được 5-6 là yếu, 7-8 điểm mới tạm gọi là đạt và điểm 9 được coi là có phát lộ năng khiếu thực sự. Nếu đánh giá SV các ngành năng khiếu theo đúng quy chế của Bộ, điểm tổng kết mà được 3,5 hay 4,8 vẫn được học tiếp thì các em đó quá tệ rồi”. Tiến sĩ Văn Thị Minh Hương cho biết việc đánh giá SV nghệ thuật cũng khác so với các ngành khác, phải đạt 7-8 điểm trở lên mới được coi là có khả năng tiếp tục theo đuổi nghề.

Việc học và đánh giá các ngành nghệ thuật có đặc thù riêng, nên nhiều ý kiến cho rằng nếu áp dụng theo quy chế đào tạo chung của Bộ GD-ĐT thì khó phát huy năng khiếu của SV. Nghệ sĩ Thành Hội - nguyên Trưởng khoa Sân khấu Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật TP.HCM - cũng cho rằng, Bộ nên cho phép những trường đào tạo các ngành nghệ thuật có một số quy định riêng về thi cử, học hành, cách đánh giá SV sao cho phù hợp với đặc thù nghề nghiệp.

Không được thi lại!

Tuy nhiên khi chưa có những quy định riêng cho đặc thù các trường đào tạo về nghệ thuật thì các cơ sở đào tạo vẫn phải thực hiện theo đúng quy chế chung. Do vậy nhiều sinh viên ngành đạo diễn sân khấu khóa 15 Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật TP.HCM đã phản ứng với cách thi cử của trường.

Khóa này có tổng số 31 thí sinh trúng tuyển nhưng đến nay, ngoại trừ một số SV xin bảo lưu thì chỉ còn 4 SV đủ điều kiện thi tốt nghiệp vào tháng 6 tới. Ngay cả một số SV có điểm thi đầu vào rất cao nhưng vẫn bị dừng lại. Nguyên nhân do số SV này chỉ đạt điểm 4 chuyên môn trong thi học kỳ nên lãnh đạo khoa quyết định cho nghỉ học mà không được thi lại lần 2.

Trong khi cũng là trường nghệ thuật thì tiến sĩ Phan Thị Bích Hà - Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM cho biết: “Tôi không có ý kiến gì về việc làm của khoa Sân khấu Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật TP.HCM, nhưng theo quy định của Bộ, lần đầu thi không đạt thì SV phải được thi lại. Lâu nay trường chúng tôi vẫn làm đúng theo quy chế đó. Chỉ có điều, với SV ngành năng khiếu, điểm 5-6 đã là thấp lắm rồi, điểm 4 thì quả là rất tệ”.

Biết rằng theo học các môn nghệ thuật yêu cầu bậc nhất phải có năng khiếu và việc sàng lọc trong quá trình đào tạo là tất nhiên. Thế nhưng cách làm của khoa Sân khấu Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật cũng chưa hợp tình, hợp lý. Tại sao không tạo cho SV thêm một cơ hội để sửa chữa những sai sót trong kỳ thi lần thứ nhất? Nếu qua ít nhất 2 lần thi, vẫn không đạt thì mới đặt ra vấn đề xem xét lại năng khiếu của SV, buộc ngừng thôi học hoặc chuyển sang ngành học khác phù hợp… Đó là chưa kể, cách làm này vi phạm quy chế đào tạo hiện hành của Bộ GD-ĐT.

Phải tuân theo quy chế hiện hành

Theo khoản 4, điều 6 của Quy chế 25 về đào tạo ĐH và CĐ hệ chính quy của Bộ GD-ĐT, SV bị buộc thôi học nếu rơi vào một trong các trường hợp: có điểm trung bình chung học tập của năm học dưới 3,5; có điểm trung bình chung tất cả các học phần tính từ đầu khóa học dưới 4 sau 2 năm học; dưới 4,5 sau 3 năm học và dưới 4,8 sau từ 4 năm học trở lên.

Trao đổi với PV Thanh Niên, GS-TSKH Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định: “Nếu các trường đào tạo nghệ thuật thấy trong quy chế có những gì bất cập, chưa hợp lý thì họp nhau đề xuất lên để Bộ xem xét, lấy ý kiến rộng rãi. Cá nhân tôi không phản đối việc các trường đào tạo nghệ thuật nên có một số quy định riêng nằm trong quy chế chung. Căn cứ vào đề xuất đó, có thể Bộ sẽ bổ sung những quy định riêng vào thông tư và quy chế đào tạo nếu thấy hợp lý và cần thiết. Tuy nhiên trong khi thông tư chưa được sửa đổi, tất cả các trường vẫn phải tuân theo quy chế đào tạo hiện hành, kể cả các ngành năng khiếu”.

Hà Thành

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.