Như Thanh Niên ngày 13.4 thông tin, dự thảo đưa ra 3 phương án quy định về thời gian được bán rượu, bia. Cụ thể, phương án 1 chỉ được bán rượu bia từ 11 - 14 giờ và từ 17 - 22 giờ hằng ngày.
Phương án 2, chỉ được bán rượu, bia từ 6 - 22 giờ (trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực sân bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch). Phương án 3, thời gian bán rượu, bia thực hiện theo lộ trình quy định của Chính phủ căn cứ yêu cầu thực tiễn công tác phòng chống tác hại của rượu, bia.
Dự thảo cũng đưa ra quy định địa điểm công cộng không được bán rượu như: cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng, giải trí dành cho trẻ em; nơi làm việc của cơ quan tổ chức doanh nghiệp; trạm dừng nghỉ trên quốc lộ, tỉnh lộ.
Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế): “Quy định về giờ bán rượu đã được nhiều quốc gia thực hiện. Nếu quy định này được đưa vào luật để thực thi thì chính quyền địa phương chịu trách nhiệm tổ chức, ví dụ như lực lượng quản lý thị trường có trách nhiệm giám sát chất lượng hàng hóa lưu thông sẽ thêm giám sát giờ bán rượu chứ không phải lại tổ chức thêm một lực lượng đi thanh tra kiểm tra”.
tin liên quan
Đề xuất 3 phương án quy định thời gian bán rượu, biaLo bộ máy phình ra
Trả lời PV Thanh Niên, lãnh đạo một số địa phương và sở, ngành Hà Nội bày tỏ băn khoăn về sự cần thiết cũng như tính khả thi của quy định bán rượu, bia theo giờ. Ông Vũ Minh Lộ, Chủ tịch UBND P.Thanh Xuân Bắc (Q.Thanh Xuân), cho rằng quy định phải rõ là áp dụng với đối tượng nào, nếu áp dụng với cán bộ, công chức thì đơn giản hơn, nhưng nếu với toàn dân thì sẽ khác. Quy định như vậy rất khó quản lý cho địa phương. Với lực lượng trong tay phải quản lý việc bán rượu, bia đúng giờ là rất khó, nếu không muốn nói cực kỳ khó... “Chúng ta đầu tiên phải tuyên truyền, vận động, nhắc nhở sau đó mới xử lý. Trên địa bàn phường tôi có 10 quán bán bia, rượu tôi có thể tuyên truyền nhắc nhở họ, nhưng cũng thực sự không có cán bộ để đứng đó canh xem họ có tuân thủ không. Chỉ có kiểm tra đột xuất rồi phạt thật nặng, nhưng cấp phường cũng chỉ được phạt hành chính đến một mức độ nhất định, không quá 5 triệu đồng, nên nói quy định có khả thi không tôi nghĩ là khó”, ông Lộ phân tích.
Ông Đặng Hồng Thái, Phó chủ tịch UBND Q.Thanh Xuân, cũng cho rằng quy định như dự thảo không hợp lý, bởi đô thị còn tính phát triển dịch vụ về đêm. “Tiện ích của đô thị khác nông thôn. Chúng ta hạn chế giờ như vậy thì hơi cứng nhắc. Đứng ở góc độ cơ quan quản lý, chúng tôi cũng thấy rất khó thực thi cho tốt quy định này. Giờ đó là hết giờ làm hành chính rồi, nếu cần lực lượng chức năng sẽ phải sinh ra một giờ làm việc khác, kéo theo cơ chế chính sách ngoài giờ, nhiều cái liên quan. Đơn cử những quy định như không được hoạt động sau 12 giờ đêm, tuy về cơ bản chấp hành nhưng vẫn có nơi lén lút. Khi công an đến kiểm tra họ sẽ bê bàn vào nhà, không chỉ ở những quận trung tâm mà cả những quận như Thanh Xuân cũng vẫn còn”, ông Thái nói.
Trong khi đó, theo ông Đàm Tiến Thắng, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội, với hàng quán số lượng quá nhiều, đa dạng chủng loại như Hà Nội hiện nay, lực lượng chức năng sẽ không thể quản lý hết. Vì thế, cần một cơ chế cụ thể để những quy định đặt ra được thực thi nghiêm túc mới thể hiện được tính đúng đắn của chính sách.
Bán hàng phải biết ai say rượu!
Dự thảo cũng quy định, người sử dụng lao động làm việc tại các địa điểm bán lẻ rượu, bia phải tổ chức tập huấn cho người lao động về tác hại của rượu, bia; khuyến nghị người tiêu dùng về đơn vị rượu nên sử dụng ở mức nguy cơ thấp; cách nhận biết dấu hiệu người say rượu, bia của khách hàng.
Đọc quy định này, một dược sĩ - luật sư từng công tác trong ngành y tế cho rằng việc ngăn ngừa tác hại của rượu, bia là rất cần thiết, nhưng yêu cầu người bán lẻ phải “nhận biết dấu hiệu người say rượu, bia của khách hàng” thì cần cân nhắc. “Cấm bán rượu cho người có biểu hiện say rượu, bia là khá mơ hồ. Vì với lái xe, để kiểm soát sử dụng rượu bia còn phải căn cứ qua kiểm tra nồng độ cồn, nhưng với người có biểu hiện say thì rất không rõ ràng, lấy tiêu chí nào làm chuẩn cho người say”, ông này đặt vấn đề.
Lý giải về quy định này, ông Huy Quang nhìn nhận người bán hàng không phải là cảnh sát để đo nồng độ cồn của khách. “Quy định nhận diện người say mang tính định hướng hành vi, qua đó người bán hàng có ý thức về việc này, để góp phần trong giảm hại cho người dùng rượu, bia chứ không phải là để xử phạt người bán”, ông Quang nói.
Bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó viện trưởng Viện Chiến lược - Chính sách y tế, Bộ Y tế cho biết hiện chỉ số phát triển con người VN (HDI) đứng thứ 116/182 trên thế giới, nhưng chỉ số sử dụng rượu bia của VN đang đứng ở vị trí 29 trên thế giới. Tỷ lệ đó minh chứng VN đang là một trong những thị trường “dẫn đầu” về sử dụng rượu, bia và mức tiêu thụ đang gia tăng. Năm 2017, sản lượng bia chạm mốc 4 tỉ lít, tăng 10,4% so với năm 2016 và bình quân mỗi người dân tiêu thụ 42 lít bia/năm. Chi phí cho tiêu thụ bia của VN khoảng 3,4 tỉ USD/ năm. (Liên Châu)
|
Bình luận (0)