Chính phủ đã ban hành Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh rượu. Nghị định có hiệu lực từ 1.11.2017.
Theo quy định, những hành vi vi phạm sẽ bao gồm cả việc bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet, bán rượu bằng máy bán hàng tự động; quảng cáo, khuyến mại rượu trái quy định của pháp luật.
[VIDEO] Cấm bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi, bạn nghĩ sao?
|
Kiểm soát được “những bàn nhậu học sinh”?
Một khảo sát nhỏ của học sinh (HS) THPT tại TP.HCM, hầu hết ý kiến đều đồng tình với nghị định này.
“Dưới 18 tuổi, khi tâm sinh lý phát triển chưa toàn diện. Khi uống rượu bia vào sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường. Chính vì thế, theo mình, quy định này là rất đúng đắn và kịp thời, mình rất ủng hộ”, Trần Anh, HS lớp 11 Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Q.Tân Bình, TP.HCM), nói.
|
Tương tự, Lê Tuấn, HS lớp 12 Trường THPT Giồng Ông Tố (Q.2, TP.HCM) cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ: “Có nhiều bạn bè, tuy còn là học sinh nhưng thường rủ nhau hẹn hò nhậu nhẹt. Điều này là không nên, vì không phù hợp với lứa tuổi học sinh, vả lại uống rượu bia gây hại cho sức khỏe. Chính vì thế, hy vọng với nghị định của chính phủ, sẽ phần nào kiểm soát được hình ảnh phản cảm 'những bàn nhậu học sinh'”.
Lê Tuấn cũng kể đã từng chứng kiến cảnh những người dưới 18 tuổi gọi bia, rượu ở các quán nhậu. “Mặc dù thấy khách là người trẻ tuổi, mặc đồng phục học sinh, tuy nhiến các chủ quán vẫn đồng ý xem khách hàng là thượng đế, sẵn sàng đem bia rượu ra theo yêu cầu của khách. Mong sao từ nay, khi nghị định đã có hiệu lực, các quán nghiêm chỉnh tuân thủ”.
|
Chủ quán nói gì?
Một chủ quán nhậu trên đường Trương Định (Q.3, TP.HCM) cho biết: “Cho dù nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh rượu nay mới có hiệu lực, nhưng từ trước đến nay tôi luôn từ chối bán rượu bia cho khách hàng mà tôi nghi ngờ là còn học sinh. Bởi còn nhỏ, uống rượu bia là không tốt. Tôi không ham kiếm thêm tiền lời mà bán rượu bia cho đối tượng này”. Cũng theo chủ quán này thì: “Mỗi khi tôi thấy nhân viên trong quán bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi là tôi la ngay”.
Ông Trương Thành (51 tuổi, chủ tiệm tạp hóa trên đường Vườn Chuối, Q.3, TP.HCM) kể: “Có nhiều lần khách hàng đến mua bia là người trẻ tuổi. Tôi dò hỏi, nếu biết dưới 18 tuổi là tôi không bán. Vì đó là độ tuổi chưa trưởng thành. Có men bia rượu vào thì lo sợ có nhiều hậu quả không tốt xảy ra”.
Ông Thành cũng mong khi nghị định đã có hiệu lực, bên cạnh những người dưới 18 tuổi chấp hành tốt, thì các chủ quán, địa điểm bán rượu bia cũng nên kinh doanh có tâm, không vì kinh doanh kiếm lời mà bất chấp để buôn bán trái quy định của pháp luật.
Chủ một pub trên đường Bùi Viện (Q.1, TP.HCM) thừa nhận pub thường xuyên có khách là người trẻ tuổi, cả nam lẫn nữ. “Từ trước đến nay họ đến và sử dụng rượu bia tại pub khá nhiều. Nhưng từ nay, khi nghị định này đã có hiệu lực, tôi sẽ nói nhân viên cân nhắc việc bán cho những người trẻ tuổi, có thể là xin xem chứng minh nhân dân, chỉ đồng ý bán cho người trên 18 tuổi”, người này nói.
Nhưng quản lý bằng cách nào?
Nhiều phụ huynh tại TP.HCM cũng cho rằng: “Rất đồng tình nghị định này của chính phủ. Nhất là khi “tuổi nhậu” của dân số Việt Nam ngày càng trẻ hóa. Thì đây là cách giúp người trẻ chuyên tâm học hành hơn là nghĩ đến việc uống rượu bia”, bà Thúy Loan (phụ huynh HS Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1), cho biết.
Mặc dù nhận được đa số ý kiến đồng tình, tuy nhiên nghị định này cũng vấp phải nhiều ý kiến lo ngại, thắc mắc, đó là cấm bằng cách nào, nghị định này khó có hiệu quả.
“Rồi cơ quan, đơn vị nào sẽ kiểm soát tình hình mua bán rượu tại các quán? Biết đâu cả khách là người dưới 18 tuổi, lẫn chủ quán, đều cố tình lách luật thì ai phát hiện?”, ông Nguyễn Vân (47 tuổi, Q.3, TP.HCM), băn khoăn.
Tương tự, bà Quỳnh Chi (39 tuổi, Q.3, TP.HCM) cũng bảo: “Tôi ủng hộ nghị định này. Nhưng tôi thấy việc quản lý là rất khó. Một khi khách đã mua thì họ sẽ có đủ cách để thuyết phục người bán. Và khi chủ quán (là cửa hàng kinh doanh bia rượu, chủ quán nhậu, chủ bar, pub…) muốn kinh doanh kiếm lời thì họ sẽ bỏ ngoài tai những quy định cấm đoán. Mà nếu có trường hợp như vậy, thì cơ quan nào sẽ xử lý? Rất khó để phát hiện và xử lý”.
|
Anh Tấn Lộc (39 tuổi, Q.7) cũng cho biết: “Tôi đồng ý với việc cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi. Vì dưới 18 tuổi chưa làm chủ được kinh tế, sự nghiệp. Nhiều tai nạn thương tâm từ rượu mà ra. Các vụ án nghiêm trọng cũng có chất xúc tác từ rượu". Tuy nhiên tôi băn khoăn với việc làm sao để biết người mua dưới 18 tuổi. Kiểm tra chứng minh nhân dân là một việc khá tế nhị mà chưa phổ biến ở Việt Nam. Có thể chỉ nhìn mặt đoán tuổi thôi".
Bà Quỳnh Chi mong muốn: “Cần có sự chung tay giữa gia đình, nhà trường và xã hội để nói về những tác hại của rượu bia đến sức khỏe con người, nhắc nhở cảnh tỉnh học sinh, cũng như có những biện pháp xử lý căn cơ hơn thì nghị định này mới thật sự đi vào cuộc sống”.
Bình luận (0)