(iHay) Cộng đồng mạng đang xôn xao về việc Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Việt Nam đề xuất nghiên cứu bắt buộc xe máy chạy ban ngày cũng phải bật đèn chiếu sáng, nhằm kéo giảm tai nạn giao thông. Trên thực tế, hàng chục nước tại châu Âu, Bắc Mỹ, châu Á đã coi đây là luật.
Một số nước lân cận Việt Nam như Malaysia (ảnh), Indonesia, Singapore, Thái Lan... đã áp dụng quy định bật đèn chiếu sáng ban ngày - Ảnh: AFP
|
Quy định về đèn chiếu sáng ban ngày - Daytime Running Lights (DRLs) - được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Liên minh châu Âu, khu vực Bắc Mỹ, một vài nước ở châu Á đều cho đây là một trong những biện pháp giảm thiểu tai nạn giao thông đơn giản và rẻ tiền.
Theo luật này, xe cơ giới đường bộ buộc phải dùng đèn chiếu sáng ban ngày (ánh sáng vàng hoặc trắng) để nâng cao khả năng nhận biết cho phương tiện khi tham gia giao thông. Từ đó, người tham gia giao thông có thể xác định chính xác hơn tốc độ và khoảng cách với các phương tiện khác, ngăn chặn những va chạm, giảm thiểu thiệt hại về người và của do tai nạn giao thông gây ra.
Báo cáo phòng tránh tai nạn giao thông thế giới do WHO công bố năm 2004 cho thấy việc áp dụng luật mở đèn xe cả ban ngày không chỉ giảm tai nạn giao thông gây ra bởi xe ô tô mà đối với xe máy, môtô cũng có hiệu quả. Theo thống kê, nó giúp Malaysia giảm 10 - 29%, Mỹ giảm 13%, Singapore giảm 15%, châu Âu giảm 10% tỉ lệ tai nạn giao thông ở xe máy.
Một nghiên cứu khác cho thấy nhờ đèn chiếu sáng ban ngày, tai nạn xe máy, môtô từ năm 1980 - 1990 tại Na Uy giảm 10% sau 15 tháng áp dụng luật; Đan Mạch giảm 7% sau 2 năm 9 tháng giảm 6%; Canada giảm 11%...
Dư luận đang tranh cãi về đề xuất bắt buộc bật đèn chiếu sáng ban ngày khi tham gia giao thông của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Việt Nam - Ảnh: TL
|
Mỗi quốc gia đều có có quy định riêng biệt về thời gian, giới hạn áp luật này phù hợp với điều kiện của mình. Ví dụ Đan Mạch, Áo, Estonia, Thụy Điển, Indonesia... áp luật lên toàn bộ phương tiện lưu thông trên mọi tuyến đường trong thời gian suốt năm. Trong khi đó, các nước Ý, Hungary, Bồ Đào Nha… lại chỉ giới hạn luật mở đèn xe ban ngày ở đường bên ngoài đô thị; còn Lithuania, Ba Lan, Slovakia… chỉ bắt buộc người lái xe bật đèn ban ngày trong một vài tháng nhất định, thường vào mùa đông.
Ngoài ra, tùy điều kiện chiếu sáng ở mỗi nước mà họ cũng quy định cường độ ánh sáng đèn khác nhau. Điển hình như Mỹ có ánh sáng tự nhiên mạnh hơn, giờ chiếu sáng nhiều hơn nên Mỹ đã đề xuất cường độ ánh sáng tối đa của đèn thấp hơn so với châu Âu để đảm bảo người tham gia giao thông không bị chói mắt.
Tương tự, theo một nghiên cứu của Úc, loại đèn chiếu sáng ban ngày ở các nước cũng khác biệt: dùng đèn pha có sẵn trên xe, nhưng ở chế độ chiếu gần hoặc chiếu xa với công suất giảm bớt, đèn tín hiệu chế độ bật liên tục, lắp đặt thêm đèn riêng…
Nhiều người cho rằng quy định đèn chiếu sáng ban ngày không phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam - Ảnh: TL
|
Được áp dụng rộng rãi đến vậy nhưng không phải tất cả người tham gia giao thông đều đồng tình với quy định này. Ngay ở Việt Nam, dư luận trong nước cũng đang nảy sinh tranh cãi khi quan chức Ủy ban An toàn giao thông quốc gia mới đây đưa ra đề xuất nghiên cứu quy định xe máy phải bật đèn chiếu sáng ban ngày.
Cũng như tại một số nước, phía phản đối ở Việt Nam cho rằng DRLs không cần thiết khi ánh sáng tự nhiên đã quá đủ. Một số người khác lại đặt câu hỏi về lợi ích thật sự khi so sánh giữa chi phí thay đổi thiết bị, mức độ hao mòn đèn xe, mức độ tiêu hao nhiên liệu mà toàn dân phải chịu với thiệt hại do các vụ giao thông gây ra. Nhiều ý kiến cũng băn khoăn về hiệu quả thật sự nếu áp dụng quy định trong khi tình hình mật độ giao thông nước ta quá lớn…
Tạ Ban
>> Cầu hôn bạn gái ngay giữa cao tốc
>> Hàng loạt ô tô bị hất tung bí ẩn ngay giữa đường
>> 'Đèn đỏ nhảy múa' khiến người đi đường thích thú
Bình luận (0)