Không phải chờ ai cả
Trao đổi với Thanh Niên, ông Bùi Anh Bình, Vụ phó Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính), cho biết hiện cơ chế mua sắm các trang, thiết bị phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 cũng như các lĩnh vực khác được quy định tại luật Đấu thầu 43/QH/2013. Điều 21 đến điều 25 của luật này nêu rõ trong trường hợp đặc thù như dịch Covid-19, được phép chỉ định thầu để kịp thời xử lý sự cố cấp bách như đại dịch.
Tuy nhiên, việc chỉ định thầu phải tuân thủ trình tự chặt chẽ, như: có quyết định đầu tư được phê duyệt, nhà thầu phải có tên trong cơ sở dữ liệu về nhà thầu của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu… Đặc biệt, nguyên tắc quan trọng là phải chào hàng cạnh tranh, đảm bảo sự minh bạch, cạnh tranh về giá.
Lý giải thêm về việc các địa phương “than” khó do vướng cơ chế về giá, theo ông Bình, luật đã quy định thẩm quyền quyết định giá thuộc về chủ đầu tư tại các cấp khác nhau. “Có thể vừa rồi do xảy ra vụ việc hình sự tại CDC Hà Nội nên các địa phương ngần ngại, e sợ. Còn quy định đã khá đầy đủ, phân cấp, giao quyền và trách nhiệm, chứ không phải chờ ai cả. Thực tế ở đây có vấn đề khi triển khai thực hiện trong lĩnh vực y tế, bởi nếu nhìn sang Bộ NN-PTNT khi khắc phục lũ lụt, hạn hán… thì đâu có vấn đề gì”, ông Bình chia sẻ thêm.
Sẽ có quy định về công khai giá thiết bị y tế nhập khẩu
Về phía Bộ Y tế, ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, cho hay Bộ vừa ban hành Thông tư 14/2020/TT-BYT ngày 14.7 quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập.
Thông tư có hiệu lực từ 1.9.2020, lần đầu tiên quy định về phân nhóm và việc dự thầu vào các nhóm của gói thầu trang thiết bị y tế. Vừa qua, việc đấu thầu mua sắm bị đẩy giá cao bất thường, do các thiết bị bị mua bán lòng vòng qua nhiều công ty trung gian. Do đó, thông tư này sẽ khắc phục bằng quy định nhà sản xuất, nhập khẩu thiết bị y tế không được ủy quyền cho nhiều công ty phân phối, trong các tình huống, thiết bị thông thường không được phép ủy quyền nhiều hơn 2 công ty.
Đặc biệt, để tránh tình trạng liên kết, đẩy giá giữa các đơn vị tham gia đấu thầu, theo ông Tuấn, Bộ Y tế đang đề xuất ban hành và áp dụng quy định các hãng có thiết bị y tế vào thị trường Việt Nam phải công khai thông tin liên quan giá máy. Đồng thời, các công ty đó cũng phải công bố danh sách công ty được ủy quyền phân phối máy tại Việt Nam...
Ông Tuấn cũng cho biết thêm, bên cạnh công khai quy định nhằm kiểm soát giá hiệu quả, tất cả đơn vị đều phải báo cáo kết quả trúng thầu các gói thầu mua sắm thiết bị y tế về Bộ Y tế. Thông tin này được đăng tải công khai trên trang web chính thức, là cơ sở cho đơn vị tham khảo làm giá kế hoạch thầu.
Một chuyên gia tài chính cho rằng, vấn đề vướng nhất hiện nay như Bộ Y tế nói chỉ nằm ở thông tin, dữ liệu về thiết bị xét nghiệm để làm cơ sở tham chiếu cho các địa phương, còn sinh phẩm cơ bản đã có hướng dẫn theo luật. Do đó, địa phương cũng không nên kêu than, sợ trách nhiệm, còn Bộ Y tế cần có quy định, hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn trong đấu thầu trang thiết bị y tế, đặc biệt với các thiết bị phòng chống, dịch Covid-19. Qua đó, các địa phương có cơ sở, tiêu chí, mức giá trần, sàn để triển khai mua sắm thiết bị đúng quy định của luật và không bị đội giá so với thị trường.
Bình luận (0)