Quy định không tự phát rời TP.HCM sau ngày 30.9: Hẹn 'Đến tết con sẽ về'

29/09/2021 16:03 GMT+7

Nhiều bạn trẻ dù nhớ quê nhà nhưng vẫn chọn ở lại TP.HCM sau ngày 30.9 và thậm chí hẹn gia đình 'đến tết con sẽ về'. Số khác thì mong muốn được tạo điều kiện để về quê.

Khi TP.HCM sẽ từng bước nới lỏng lệnh giãn cách xã hội sau ngày 30.9, một số bạn trẻ mong muốn được tạo điều kiện để về quê, còn số khác quyết định bám trụ tại thành phố.

Muốn được về với gia đình

Nguyễn Thị Cẩm Tiên, 24 tuổi,  trọ ngay tâm dịch Q.Gò Vấp (TP.HCM) bùng phát hồi tháng 5, đã chọn ở lại thành phố vì sợ về gây nguy hiểm cho gia đình và người thân quê nhà.
Thời gian đầu, cô nghĩ rằng TP.HCM sẽ sớm khống chế được dịch, công ty vẫn đang hoạt động nên cố bám trụ. Tuy nhiên, công ty kiệt quệ vì không thể kinh doanh, chính thức đóng cửa vào đầu tháng 9 khiến cô mất việc.

Tờ lịch bàn của Cẩm Tiên chi chít dấu tích đếm ngày TP.HCM "mở cửa"

NVCC

“Thất nghiệp, giá thực phẩm cao, tiền trọ… mỗi tháng tiêu tốn ít nhất cũng hơn 3 triệu đồng. Hiện tại, tôi vẫn cầm cự được nhưng vài tháng tới, nếu không thể về quê thì rất khó khăn”, Cẩm Tiên kể.
Đặc thù công việc của Tiên là kinh doanh, do dịch nên không thể mở cửa, cô không có thu nhập, các khoản hỗ trợ của chính quyền chưa từng đến tay cô. “Suốt 5 tháng qua, tôi đã dùng hết số tiền tiết kiệm. Những người thất nghiệp như chúng tôi không thể cố thêm nổi nữa. Lúc này, tôi chỉ muốn được về với gia đình”, Tiên tâm sự.

Chốt chặn thép gai được tháo dỡ, người dân phấn khởi ‘thông chỗ nào mừng chỗ đó’

Còn lần về quê gần nhất của Phan Thị Thanh Thảo (22 tuổi, quê Ninh Thuận) là vào tháng 4. Nay Thảo đành “chôn chân” ở phòng trọ phường Tân Phú, TP.Thủ Đức (TP.HCM) và làm việc trực tuyến tại nhà. Cảm giác nhớ nhà vẫn thường trực trong tâm trí của cô gái trẻ. Mỗi ngày, Thảo đều tranh thủ gọi điện hỏi thăm tình hình cha mẹ ở quê.
Nhiều lần cha mẹ nói vui với Thảo là “đợi tết rồi về” vì lo ngại con gái di chuyển vào thời điểm này khá nguy hiểm. “Gia đình nhớ tôi lắm nhưng vẫn nửa đùa nửa thật vì chỉ còn 4 tháng là đến tết. May mắn là tôi vẫn có việc làm mùa dịch nên vẫn sống ổn định”, cô nói.

Qua dịch, Cẩm Tiên quyết định sẽ rời khỏi TP.HCM, về quê sinh sống và làm việc

NVCC

Những tấm lòng ở ngôi chùa giữa TP.HCM trong cuộc chiến chống Covid-19

“Khi nào chính quyền cho về thì về”

Cùng quê với Cẩm Tiên, Nguyễn Thị Minh Hoa (22 tuổi, trọ P.Linh Trung, TP.Thủ Đức, TP.HCM) từng thử đăng ký về quê theo diện đón công dân của tỉnh nhưng những chuyến xe từ TP.HCM về Đồng Tháp liên tục kín chỗ. Vì vậy, cô đành chờ đến tháng 10 với mong mỏi thành phố sẽ mở cửa để được về thăm nhà.
“Lần cuối tôi về nhà là lễ quốc tế lao động 1.5. Hôm cha mẹ tiễn lên lại thành phố, tôi không nghĩ là 5 tháng rồi vẫn chưa được về lại. Đêm nào, tôi cũng gọi điện để được gặp cha mẹ, em trai nhưng nhớ thì vẫn nhớ”, Hoa tâm sự.
Còn Cẩm Tiên thì lên báo tìm đọc về chính sách hỗ trợ người thất nghiệp hay các đoàn xe đón công dân về quê nhưng kết quả không khả quan. Ngậm ngùi tiếp tục ở lại thành phố sau 30.9, cô vẫn mong chính quyền sẽ cố gắng tạo điều kiện để công dân có thể về quê theo nguyện vọng.

Người dân ở TP.HCM tự phát về quê hồi giữa tháng 8 được chính quyền vận động quay lại

A.B

“Tôi quyết định về quê tìm việc nên nếu về sẽ không quay lại thành phố nữa. Năm nay là một năm quá buồn với mọi người. Tôi chỉ mong sớm được về nhà, tranh thủ kiếm tiền rồi đón cái tết ấm êm bên gia đình”, Tiên chia sẻ.
Tuy nhiên, trong cuộc họp hôm 28.9, lãnh đạo các tỉnh miền Nam và Tây Nguyên đã thống nhất đề xuất người ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An không tự ra khỏi địa bàn sau ngày 30.9. Dù nhớ nhà nhưng một số bạn trẻ cho rằng đây là việc nên làm vì chính quyền đang cố bảo vệ người dân và quê nhà của họ. Họ cho rằng người dân nên chờ các đoàn xe đưa đón thay vì tự phát đi về quê.
“Tôi cũng hiểu lý do tại sao TP.HCM không để dân tự về quê lúc này. Kiểm soát được dịch đã khó, mở cửa để 'mạnh ai nấy đi' càng khiến công sức mấy tháng qua đổ sông đổ biển. Tôi nghĩ rằng các bạn trẻ nên ở lại đến khi nào chính quyền cho về thì về”, Hoa nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.