Quy định mới về đào tạo liên thông: Mở cơ hội nhưng siết chất lượng

24/04/2015 07:13 GMT+7

Nhiều người có nhu cầu học lên cao theo hình thức liên thông và các cơ sở giáo dục đào tạo hệ này vui mừng trước những thay đổi rất căn bản, tạo thuận lợi cho người học trong thông tư mới nhất quy định đào tạo liên thông trình độ ĐH, CĐ. Vấn đề còn lại là làm sao đảm bảo được chất lượng đào tạo.

Nhiều người có nhu cầu học lên cao theo hình thức liên thông và các cơ sở giáo dục đào tạo hệ này vui mừng trước những thay đổi rất căn bản, tạo thuận lợi cho người học trong thông tư mới nhất quy định đào tạo liên thông trình độ ĐH, CĐ. Vấn đề còn lại là làm sao đảm bảo được chất lượng đào tạo.

Trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên, PGS-TS Đặng Quang Việt (ảnh), Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), khẳng định những nội dung sửa đổi, điều chỉnh về đào tạo liên thông tuy mở nhưng vẫn đảm bảo chất lượng nếu các trường thực hiện đúng quy định.
Ông Việt cho biết sau khi lấy ý kiến rộng rãi dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định đào tạo liên thông trình độ ĐH, CĐ, Bộ nhận phản hồi từ nhiều kênh: báo chí, ý kiến của phụ huynh - sinh viên - giảng viên, văn bản của hơn 50 trường gửi về Bộ. Đa phần ý kiến ủng hộ theo hướng đổi mới.
Không môn nào dưới 5 điểm
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng việc để các trường tự tổ chức thi là thay đổi có tính“giật lùi” so với yêu cầu phát triển giáo dục ĐH đảm bảo chất lượng?
Nói như thế là không đúng. Thay đổi đó nhằm phù hợp với đổi mới thi cử hiện nay. Hiện cả nước thực hiện kỳ thi THPT quốc gia duy nhất, không còn kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo phương thức “ba chung” nữa, nên nội dung này trong Thông tư 55 (ban hành tháng 12.2012) không đủ căn cứ pháp lý thực hiện. Vì vậy việc sửa đổi này là cần thiết để phù hợp với tình hình hiện nay.
Hơn nữa, trong quá trình thực hiện Thông tư 55, chúng tôi thấy cần phải điều chỉnh một số quy định để đảm bảo chất lượng tuyển sinh đối với hệ liên thông. Trong Thông tư 55, Bộ quy định tỷ lệ tuyển sinh liên thông không vượt quá 20% tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy hằng năm của cơ sở đào tạo. Điều này gây bất lợi cho chất lượng khi mà có một số ngành trường tuyển liên thông quá đông nhưng vẫn không bị “tuýt còi” do họ tuyển ngành khác ít đi. Thậm chí, một số trường còn cố tình hiểu 20% này là số thêm vào. Chẳng hạn chỉ tiêu chính quy được tuyển là 1.000, liên thông được tuyển thêm 20% trong khi Bộ yêu cầu trong 1.000 đó chỉ có tối đa 20% liên thông. Với điều chỉnh trong thông tư sửa đổi, chắc chắn không trường nào có thể “hiểu lầm” như thế nữa.
Trong thông tư sửa đổi, Bộ đưa thêm nội dung về ngưỡng chất lượng đầu vào. Nếu những trường nào xét tuyển căn cứ vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, yêu cầu để tuyển sinh hệ chính quy như thế nào thì tuyển sinh liên thông ít nhất bằng ngưỡng tối thiểu đó. Còn trường nào tự tổ chức thi tuyển (ngoài xét tuyển theo kỳ thi THPT quốc gia) điểm thi tối thiểu mà thí sinh đạt được từng môn phải là 5 chứ không phải bình quân 5 điểm/môn. Nghĩa là không có chuyện tổng điểm 3 môn là 15, nhưng có môn 7 - 8 điểm, có môn lại chỉ đạt dưới 5. Đây là một yếu tố đi kèm để đảm bảo chất lượng đầu vào.
Chúng tôi yêu cầu trường nào muốn tổ chức tuyển sinh liên thông thì phải đào tạo theo tín chỉ. Nếu những trường nào chưa tổ chức theo tín chỉ thì chỉ được đào tạo liên thông vừa học vừa làm chứ không được đào tạo chính quy để đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng yêu cầu khi tổ chức dạy học thì sinh viên liên thông chính quy phải học chung với sinh viên chính quy bình thường và chỉ có một chuẩn đầu ra với cả hai đối tượng này.
Một chuẩn đầu ra cùng với sinh viên chính quy
Thưa ông, trước đây để kiểm soát chất lượng liên thông chính quy, Bộ yêu cầu người học phải tốt nghiệp bậc học dưới sau một số năm nhất định mới được thi liên thông hoặc phải tham gia kỳ thi “3 chung” do Bộ tổ chức. Nay lại bỏ quy định này, liệu chất lượng liên thông chính quy có đảm bảo?
Việc quy định như vậy không còn phù hợp với thực tiễn và không phù hợp với tinh thần liên thông. Liên thông là người học có thể học lên luôn, vấn đề là phải đảm bảo chất lượng. Hiện giờ đã có các rào cản kỹ thuật để đảm bảo chất lượng đầu vào như các biện pháp mà tôi vừa nói. Nếu thực hiện đúng như thế cũng là khó khăn nhiều với người học chứ không phải dễ dàng gì để được học liên thông. Chẳng hạn, khi dự kỳ thi tuyển sinh đầu vào do nhà trường tổ chức mà bị điểm 4 một môn thôi là hỏng.
Trong quá trình đào tạo, sinh viên liên thông chính quy phải qua một bộ lọc của toàn bộ quy trình đào tạo cùng với sinh viên chính quy, đó là chỉ có một chuẩn đầu ra.
Nhưng thưa ông, hiện chưa thể kiểm soát chất lượng của các trường, nên sẽ có những trường dễ dãi trong kiểm soát đầu ra?
Cái này thì khó thật. Vấn đề là phải kiểm soát được quá trình đào tạo chính quy của từng trường. Trường nào chưa kiểm soát được thì phải tìm giải pháp để kiểm soát. Vấn đề là phải song hành kiểm soát chặt cả đào tạo lẫn tuyển sinh. Nếu thực hiện được nghiêm túc, thì việc để các em liên thông được cọ xát công bằng với các em chính quy thì tinh thần liên thông - mở ra cơ hội học tập cho tất cả mọi người - mới đúng nghĩa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.