THIẾU NHÂN SỰ
Theo thông tin từ Sở Tài chính TP.HCM về kết quả thực hiện công tác định giá tài sản trong tố tụng hình sự trên địa bàn, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự TP.HCM (được thành lập tháng 6.2021) hiện có 25 thành viên, gồm đại diện sở, ngành chuyên môn và 24 thành viên Tổ giúp việc. Trong 10 tháng năm 2022, Hội đồng tiếp nhận, xử lý 143 hồ sơ định giá, tổng giá trị tài sản định giá là 9.432 tỉ đồng. Tài sản được trưng cầu định giá rất đa dạng: mỹ phẩm, nhà, đất, hàng cấm, thiết bị chuyên dùng (thiết bị viễn thông, y tế…), tài sản bị cháy, hóa chất, tinh quặng...
Đối với những khó khăn, vướng mắc trong công tác định giá tài sản, Sở Tài chính cho hay khối lượng yêu cầu định giá của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong những năm vừa qua liên tục tăng trong khi nhân sự tham gia công tác định giá tài sản đều kiêm nhiệm; các sở, ngành chưa được bổ sung hoặc phân bổ biên chế cho công tác này. Nhân sự tham gia Hội đồng và Tổ giúp việc tại cấp tỉnh, thành và cấp huyện ở TP.HCM là tương đối nhiều nhưng không hoạt động chuyên sâu, không tập trung 100% thời gian và nghiệp vụ cho công tác này nên hiệu quả chưa cao.
"Trong trường hợp mức độ khối lượng công tác định giá tài sản trong tố tụng hình sự không lớn, việc thành lập Hội đồng định giá với các thành viên tham gia kiêm nhiệm thì có thể đảm đương được. Nhưng khối lượng công việc ngày càng tăng, kết quả định giá tài sản trong tố tụng hình sự ngày càng có vai trò quan trọng. Nhằm tách hoạt động hành chính và hoạt động tố tụng hình sự độc lập, Sở Tài chính TP.HCM kiến nghị Bộ Tài chính có ý kiến với cơ quan có thẩm quyền thành lập tổ chức định giá tài sản trong tố tụng hình sự hoạt động độc lập, nhằm đảm bảo khách quan và đáp ứng tiến độ của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng", đại diện Sở Tài chính nói.
Lãnh đạo Sở Tài chính TP.HCM nhấn mạnh đối với tài sản là quyền sử dụng đất; tài sản chuyên ngành, đặc thù hoặc có nhiều chủng loại, khối lượng lớn theo quy định thì phải thuê doanh nghiệp thẩm định giá. Tuy nhiên, đây là công việc hết sức nhạy cảm nên các doanh nghiệp thẩm định giá thường không muốn tham gia, phải tổ chức chào thầu rất nhiều lần, gây kéo dài thời gian; chất lượng Chứng thư thẩm định giá cũng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, phải góp ý nhiều lần.
QUY ĐỊNH CÒN CHỒNG CHÉO, BẤT CẬP
Nói về nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đại diện Sở Tài chính TP.HCM cho rằng công tác định giá tài sản trong tố tụng hình sự mang tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhưng quy định của pháp luật chưa quy định đầy đủ các trường hợp phát sinh trong thực tiễn. Một số quy định còn chồng chéo, chưa theo kịp với diễn biến thực tế. Ngoài ra, khối lượng yêu cầu định giá ngày càng tăng, các cơ quan soạn thảo cũng chưa lường trước được khối lượng công việc để xây dựng cơ chế, tổ chức bộ máy thực hiện cho phù hợp nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả hoạt động định giá tài sản trong tố tụng hình sự. Cụ thể, quy định pháp luật về chức năng của Hội đồng chưa rõ ràng, các quy định về thẩm quyền định giá tài sản trong tố tụng hình sự còn chồng chéo. Cơ sở pháp lý, quy định pháp luật để định giá tài sản chưa được ban hành (như trường hợp định giá giá trị doanh nghiệp, giá trị cổ phần trước thời điểm 1.1.2018) hoặc chưa được hướng dẫn rõ.
Đối với việc định giá tài sản là bất động sản thì Sở Tài chính lưu ý đây là tài sản đặc thù có luật, nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện riêng biệt và kéo dài qua nhiều thời kỳ của luật Đất đai từ năm 1993 đến nay và tài sản chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố cung, cầu trên thị trường, các yếu tố lạm phát; quy hoạch tương lai, quá khứ; chính sách; khủng hoảng kinh tế; dịch bệnh... Vì vậy, việc định giá tài sản là bất động sản cần có nhiều kinh nghiệm thực tiễn về giá đất, hiểu rõ về chính sách qua từng thời kỳ.
THIẾU HƯỚNG DẪN VỀ ĐỊNH GIÁ DOANH NGHIỆP
Trước những khó khăn và vướng mắc như hiện nay, lãnh đạo Sở Tài chính TP.HCM kiến nghị khẩn trương bổ sung biên chế; tập trung, ưu tiên bố trí nhân sự, thời gian hợp lý để làm việc với các cơ quan liên quan nhằm trao đổi, thảo luận tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ định giá tài sản; những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền thì kịp thời báo cáo UBND TP.HCM chỉ đạo; đề nghị các cơ quan, tổ chức khác (Văn phòng đăng ký đất đai, Chi cục Thuế, UBND TP.Thủ Đức, UBND quận, huyện…) có trách nhiệm cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến tài sản cần định giá; tạo điều kiện tốt nhất để Hội đồng thực hiện việc khảo sát giá, thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần định giá...
Theo Sở Tài chính TP.HCM, về việc xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm trước khi Thông tư số 122/2017/TT-BTC ngày 15.11.2017 của Bộ Tài chính có hiệu lực thì trong thời gian qua, cơ quan định giá tài sản trong tố tụng hình sự nhận được một số yêu cầu định giá tài sản giá trị doanh nghiệp tại các thời điểm trước ngày 1.1.2018 (thời điểm Thông tư số 122/2017/TT-BTC ngày 15.11.2017 của Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành). Tuy nhiên, trước thời điểm này chưa có văn bản hướng dẫn xác định giá trị doanh nghiệp, nên cơ quan định giá đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn có thể vận dụng Thông tư số 122/2017/TT-BTC để định giá cho các thời điểm trước đó hay không? Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Công văn số 5879/BTC-QLG ngày 18.5.2020, trước thời điểm Thông tư số 122/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành, thì Bộ Tài chính chưa ban hành Thông tư số 122/2017/TT-BTC, nên không thể vận dụng được. Do đó, việc xác định giá trị doanh nghiệp trước thời điểm 1.1.2018 là không thể thực hiện được.
(còn tiếp)
Bình luận (0)