Sáng 30.8, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về dự án luật Đất đai sửa đổi, đại biểu Lò Thị Luyến cho biết, dự thảo luật phân cấp cho địa phương thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất và rừng tự nhiên sang mục đích khác, nhưng phải tuân thủ theo tiêu chí, điều kiện do Chính phủ quy định.
Tuy nhiên, bà Luyến đề nghị phải quy định rõ trong luật về thẩm quyền của chính quyền địa phương trong việc chuyển mục đích sử dụng đất thay vì giao Chính phủ quy định nhằm đảm bảo tương thích với các luật khác và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện.
Theo đại biểu, các quy định hiện hành liên quan tới vấn đề này hiện rất vướng mắc.
Bà Luyến phân tích, theo quy định luật Đất đai hiện hành, HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền chuyển mục đích đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất với diện tích dưới 20 ha.
Tuy nhiên, khoản 2 điều 14 luật Nông nghiệp 2017 thể chế hóa Chỉ thị 13 năm 2017 của Ban Bí thư về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng thì vướng, đã quy định không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia, dự án quốc phòng an ninh quốc gia, dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt.
"Khoản 2 điều 14 luật Nông nghiệp không cho, một mét đất rừng cũng phải trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương thì mới chuyển được mục đích sử dụng. Do đó, địa phương gặp rất nhiều khó khăn", bà Luyến nói, và đề nghị, cần quy định cụ thể trong luật Đất đai liên quan chuyển mục đích sử dụng đất rừng.
Tương tự, đối với chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, theo bà Luyến, luật Đất đai hiện hành cũng quy định HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng với diện tích dưới 10 ha. Tuy nhiên, dự thảo luật Đất đai sửa đổi lại không quy định hạn mức nội dung này, giao Chính phủ quy định.
Theo bà Luyến, nếu căn cứ theo pháp luật đầu tư và dự thảo luật Đất đai thì thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công, tiêu chí phân loại các dự án nhóm A, B, C lại được phân định trên tổng mức đầu tư sử dụng vốn đầu tư công, không liên quan đến diện tích đất lúa. Chỉ dự án quan trọng quốc gia mới có tiêu chí về chuyển mục đích sử dụng đất lúa thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Như vậy, theo dự thảo luật Đất đai sửa đổi, hạn mức chuyển đổi đất lúa thuộc thẩm quyền của Thủ tướng và HĐND cấp tỉnh chưa có quy định rõ ràng. Các luật hiện hành cũng không quy định rõ ràng.
"Báo cáo Quốc hội, địa phương kêu rất nhiều. Chúng tôi mong T.Ư thấu hiểu địa phương và hãy quy định với điều kiện làm sao thuận lợi cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Còn quy định giao Thủ tướng thì chúng tôi cảm thấy như ở trên mây, sau này không biết sẽ có khó khăn chồng chất như thế nào, bức tử những vấn đề địa phương cần phải giải quyết", bà Luyến nói.
Từ đó, đại biểu đoàn Điện Biên đề nghị thẩm quyền và hạn mức chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và các loại đất khác phải được quy định trong luật, cho tương thích với các luật khác, mang tính bạch, rõ ràng, thực hiện thống nhất.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh cho hay, Bộ TN-MT theo luật hiện hành đang thẩm định và trình Chính phủ những dự án chuyển đổi diện tích đất lúa từ 10 ha trở lên. Vấn đề này, tại luật Đất đai sửa đổi lần này sẽ được giải quyết theo hướng phân cấp thầm quyền cho địa phương.
Đối với những vướng mắc trong luật Lâm nghiệp như đại biểu Luyến nêu, ông Khánh cho hay, trong luật Đất đai sẽ sửa đổi theo hướng điều chỉnh luật Lâm nghiệp để việc phân cấp này thông suốt, đồng bộ.
Bình luận (0)