Ruồi "thích" sinh sống ở những nơi dơ dáy, mất vệ sinh. Nên để "tiêu chuẩn hóa" nhà vệ sinh công cộng, nhà chức trách Bắc Kinh (Trung Quốc) đã đưa ra quy định: "Không được phép có quá 2 con ruồi" ở những nơi này.
"Quy định ruồi" mới nghe, thấy... tủn mủn. Thậm chí, hơi buồn cười. Nhưng ngẫm kỹ và đặc biệt khi nhìn lại thực trạng các nhà vệ sinh công cộng ở các thành phố lớn của ta, không ít người lại thầm mong, giá mà Việt Nam cũng có "quy định ruồi" hoặc các quy định đại loại vậy.
Nghĩa là cụ thể, thiết thực, có thể "tai nghe, mắt thấy" để làm đến nơi, đến chốn và ai cũng giám sát được. Như vậy, người dân cũng đỡ khổ và không biết chừng, ngành du lịch của ta cũng "cất cánh". Bởi nhiều năm nay, chúng ta lên không biết bao nhiêu chương trình lớn lao. Nào là "Thực hiện nếp sống văn minh", "Năm mỹ quan đô thị", "Ở đâu có du lịch, ở đó có nhà vệ sinh đạt chuẩn"... nhưng thực trạng thì hỡi ôi.
Nhà vệ sinh công cộng thiếu nên tình trạng "tiểu tiện công khai" diễn ra khắp nơi. Việc lắp đặt không khoa học, bất tiện và đặc biệt, tình trạng dơ dáy, bốc mùi từ xa... khiến các nhà vệ sinh công cộng của ta trở thành nỗi ám ảnh của cả người dân trong nước đến du khách nước ngoài. Đến mức, trên trang tư vấn du lịch quốc tế nổi tiếng Tripadvisor, các thành viên còn truyền nhau "bí kíp" giải quyết "chuyện tế nhị" khi đến Việt Nam du lịch như: Đi vệ sinh ở khách sạn trước khi ra đường; nếu có nhu cầu đột xuất, hãy đi nhờ ở các khách sạn lớn; nên đi vào quán cà phê, hoặc vào siêu thị...
Trong thời hội nhập hiện nay, "công trình phụ" không còn là chuyện "đóng cửa bảo nhau" mà là bộ mặt, phản ánh trình độ dân trí, sự văn minh và phát triển của một quốc gia. Chẳng thế mà Singapore đã xây dựng cả một chương trình "Chúng ta hãy quan sát" với mục tiêu, đến hết năm 2013, 70% nhà vệ sinh ở đảo quốc này đạt tiêu chuẩn khách sạn 3 sao. Brunei cũng lên chương trình gắn sao cho các nhà vệ sinh công cộng và mới nhất là Trung Quốc với "quy định ruồi" nói trên...
Trong khi "các bạn" đã đến giai đoạn xây dựng "đẳng cấp" cho nhà vệ sinh công cộng thì chúng ta vẫn loay hoay với việc thiếu - đủ, nói gì đến chuyện sạch sẽ hay "sao" nọ, "sao" kia. Điều cần phải nói là, thực trạng và tầm quan trọng của nhà vệ sinh công cộng đã được nói đến rất nhiều, từ năm này qua năm khác... nhưng nói rồi, làm rồi... mọi chuyện vẫn thế, không thay đổi bao nhiêu.
Chúng ta quảng bá về một "Việt Nam - vẻ đẹp bất tận", "Việt Nam vẻ đẹp tiềm ẩn"; Chúng ta có nhiều bãi biển đẹp nổi tiếng, được thế giới xếp hạng; người dân Việt Nam luôn được đánh giá thân thiện, dễ gần... nhưng rất nhiều du khách đến Việt Nam "một đi không trở lại". Kết quả mà ngành du lịch đạt được thua xa so với các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia... Lâu lâu chúng ta lại "phát sốt" lên vì những bài viết "nói xấu" mình được đăng tải ở nước ngoài hay trên các mạng xã hội...
Đã bao giờ những người có thẩm quyền đặt câu hỏi tại sao cho những nghịch lý trên? Và thay vì triển khai các cuộc thi viết slogan tốn kém, các chương trình tiếp thị với chi phí không nhỏ nhưng thiếu hiệu quả... hãy bắt đầu từ các nhà vệ sinh công cộng. Đó mới chính là những việc thiết thực, hiệu quả cho chính chúng ta cũng như xây dựng hình ảnh của Việt Nam với du khách quốc tế.
Nguyên Khanh
Bình luận (0)