Xe nào không được chạy?
Ngày 21.1.2010, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký Quyết định số 195/QĐ-BGTVT ban hành "Quy định về tổ chức quản lý, khai thác tạm thời đường ô tô cao tốc TP.HCM - Trung Lương". Theo đó, các đối tượng không được tham gia giao thông trên đường cao tốc gồm: xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/giờ; máy kéo, xe mô tô 2 bánh, xe mô tô 3 bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự; xe máy thi công tự hành, xe bánh xích (trừ xe đang phục vụ việc hoàn thiện các hạng mục còn lại của đường cao tốc); xe chở chất độc hại, dễ cháy, vật liệu nổ; xe thô sơ, người đi bộ; súc vật; các xe chở vật liệu rời dễ bị rơi vãi trên đường cao tốc. Người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc trong giai đoạn khai thác tạm thời có phù hiệu hoặc biểu tượng riêng thì được đi lại trên đường cao tốc (không quy định tốc độ) nhưng không gây ảnh hưởng và cản trở giao thông trên đường. Các xe chỉ được ra vào đường cao tốc ở các nút giao: Chợ Đệm, Bến Lức, Tân An và Thân Cửu Nghĩa.
Người lái xe khi vào đường cao tốc cho xe nhập vào dòng xe ở làn đường sát mép ngoài; nếu có làn đường tăng tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi nhập vào làn của đường cao tốc. Khi ra khỏi đường cao tốc phải thực hiện chuyển dần sang làn đường phía bên phải; nếu có làn đường giảm tốc thì phải cho xe chạy trên đó trước khi rời khỏi đường cao tốc. Không được cho xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp và phần lề đường. Xe chạy đúng quy định về tốc độ ghi trên biển báo hiệu, sơn kẻ trên mặt đường.
Tốc độ lưu hành tối đa, tối thiểu cho phép các phương tiện tham gia giao thông trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương như sau: Làn cạnh dải phân cách giữa, tốc độ tối đa 100 km/giờ, tối thiểu 60 km/giờ; làn cạnh làn dừng khẩn cấp, tốc độ tối đa 80 km/giờ, tối thiểu 50 km/giờ. Người điều khiển phương tiện phải tuân thủ các quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ. Các loại xe quá khổ, quá tải trọng có giấy phép lưu hành trên quốc lộ được lưu hành trên đường cao tốc.
Kiểm soát phương tiện ra, vào
Tại các vị trí ra, vào đường cao tốc, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) và thanh tra giao thông sẽ thực hiện việc kiểm soát phương tiện để đảm bảo khai thác tuyến cao tốc an toàn. Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận được Bộ GTVT giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý dự án. Để chuẩn bị cho việc thông xe, Trung tâm Quản lý tạm thời đường cao tốc đã được xây dựng và đặt trụ sở tại Thân Cửu Nghĩa, H.Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Số điện thoại đường dây nóng của trung tâm: 073.3936274.
Trong thời gian quản lý khai thác tạm thời, sẽ không áp dụng thu phí kể từ ngày 3.2.2010 đến khi hoàn thành toàn bộ công trình, bàn giao chính thức cho đơn vị mua quyền thu phí của dự án để khai thác thu phí theo đúng quy định của pháp luật. Ban QLDA Mỹ Thuận sẽ phát hành tờ rơi để tuyên truyền, hướng dẫn các phương tiện tham gia giao thông trên đường cao tốc và nhân dân khu vực đường cao tốc đi qua.
Trên đường cao tốc có các công trình phục vụ bảo vệ, quản lý khai thác đường cao tốc, gồm: hệ thống giao thông thông minh phục vụ quản lý điều hành tuyến cao tốc; trạm dịch vụ; trạm thu phí (đang xây dựng). Đặc biệt đã có lưới thép B40 rào kín 2 bên dọc theo tuyến cao tốc (40 km), không cho bất cứ phương tiện, người, súc vật băng ngang vào tuyến cao tốc.
Trong điều kiện có sương mù, Trung tâm Quản lý đường cao tốc phải kịp thời có các biện pháp khống chế giao thông tùy theo tầm nhìn của lái xe để đặt các biển báo hạn chế tốc độ xe chạy, quy định khoảng cách giữa các xe, quy định cho phép hoặc cấm vượt xe theo bảng dưới đây:
Mai Vọng
Bình luận (0)