'Quy định vênh nhau, chả nhẽ nhắm mắt làm?'

23/05/2024 11:54 GMT+7

Báo cáo Chính phủ nêu còn bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Song đại biểu Quốc hội cho rằng nhiều khi 'nhắm mắt mà làm' lại phải đi tù vì quy định thiếu thống nhất.

Sáng 23.5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Báo cáo kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023. Đại biểu Lò Thị Luyến (đoàn Điện Biên) bày tỏ băn khoăn và cho rằng cần phải nhìn nhận khách quan, phân tích sâu hơn về nguyên nhân cốt lõi khiến "một bộ phận cán bộ đùn đẩy, né tránh trách nhiệm". 

'Quy định vênh nhau, chả nhẽ nhắm mắt làm?'- Ảnh 1.

Đại biểu Lò Thị Luyến (đoàn Điện Biên)

MAI HÀ

Theo lý giải của đại biểu đoàn Điện Biên, tinh thần, thái độ, trách nhiệm của cán bộ công chức có mối quan hệ tương quan rất chặt chẽ với hệ thống pháp luật hiện hành. 

"Nếu quy định rõ rồi mà cán bộ công chức không làm thì thuộc về trách nhiệm của cán bộ công chức. Nhưng ngược lại, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều vấn đề, có sự mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất", bà Luyến nêu.

Vì thế, theo bà trước tiên cán bộ công chức sẽ giữ gìn sự an toàn của mình, không ai dám làm những việc mà pháp luật quy định không rõ ràng, nếu làm sẽ có sự rủi ro, hậu quả về pháp lý. Hiện đã có một số cán bộ đã phải chịu hậu quả rủi ro về pháp lý vì các quy định không rõ ràng.

"Nếu anh nào liều, cứ quyết mà làm thì nhắm mắt làm, nhưng đến khi có sự kiện xảy ra, khi các cơ quan kiểm tra, thanh tra vào thì chỉ áp dụng quy định pháp luật để xử lý cán bộ. Chẳng lẽ cứ nhắm mắt làm, cùng lắm là đi tù?", đại biểu Lò Thị Luyến chia sẻ.

Dẫn vướng mắc thực tế tại Điện Biên, bà Luyến cho biết giữa nghị định quy định chi tiết luật Tài nguyên nước 2012 và luật Bảo vệ môi trường 2020 có sự xung đột nhau. Theo đó, với các nhà máy thủy điện công suất từ 2 - 20 MW hiện Bộ TN-MT không thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhưng UBND cấp tỉnh chỉ được thẩm định dự án dưới 2 MW.

"Khoảng trống" với dự án từ 2 MW - 20 MW đến nay không bên nào cấp phép, UBND tỉnh Điện Biên kiến nghị lên Bộ TN-MT nhưng vẫn chưa xử lý được. 

"Đội ngũ cán bộ công chức không dám liều để làm. Trường hợp chúng tôi liều, nhắm mắt làm, nếu không có vấn đề gì xảy ra thì không sao, nhưng nếu khi có vấn đề, sự kiện xảy ra mà cơ quan điều tra, các cơ quan khác vào kiểm tra thì… Hai nghị định xung đột, mâu thuẫn nhau như vậy thì có ai dám làm không", đại biểu Luyến nêu. 

Bà cũng mong muốn Quốc hội, Chính phủ tiếp tục lắng nghe và đồng hành cùng địa phương để giải quyết những vấn đề vướng mắc về hệ thống pháp luật, làm sao để tạo điều kiện cho cán bộ công chức có đầy đủ cơ sở pháp lý để thực hiện và không để hậu quả pháp lý xảy ra.

Nhiều nơi lãnh đạo chiếm 50%

Cùng quan điểm, ông Đồng Ngọc Ba, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh Quốc hội, cũng cho rằng Chính phủ cần có đánh giá, thống kê sâu hơn về tinh thần trách nhiệm, chất lượng công việc của cán bộ công chức. 

"Sợ trách nhiệm" theo ông là trách nhiệm phải thực hiện theo quy định, đây là vấn đề không mới. Tính đến hết năm 2023, theo báo cáo Chính phủ, đã xử lý kỷ luật hơn 17.800 trường hợp. 

'Quy định vênh nhau, chả nhẽ nhắm mắt làm?'- Ảnh 2.

Đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định)

QUOCHOI

Ông Ba cho rằng, Chính phủ cần đánh giá, bóc tách các nhóm vi phạm, nhất là nhóm liên quan tới vi phạm luật Cán bộ công chức, về đạo đức công vụ, cụ thể là trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ, tự ý bỏ công việc.

"Phải đánh giá để có định lượng, chứ nêu chung chung định tính và cảm tính tinh thần thái độ thì rất khó", ông Ba nói. Từ đó mới có thể đưa ra giải pháp, xử lý nghiêm theo luật Cán bộ công chức. 

Trường hợp đơn vị nào có cán bộ công chức vi phạm thì cũng phải xem xét trách nhiệm lãnh đạo, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó. Chính phủ cần báo cáo cụ thể hàng năm về vấn đề này.

Đặc biệt, đại biểu Đồng Ngọc Ba cũng băn khoăn về đề án vị trí việc làm đang được xây dựng, dù nỗ lực nhưng vẫn tồn tại bất cập. Chất lượng và sự phù hợp vị trí việc làm để tạo động lực, đảm bảo chất lượng hoạt động bộ máy hoạt động còn rất bất cập. 

"Nhiều đơn vị xây dựng đề án vị trí việc làm, nhưng tỷ lệ lãnh đạo, quản lý vẫn rất cao. Có nơi lãnh đạo chiếm 50% trong bộ máy, nhiều đơn vị không có nhân viên. Người làm chuyên môn và lãnh đạo cần cân đối", đại biểu Ba nêu và đề xuất cần rà soát, đánh giá lại chất lượng vị trí việc làm trong bộ máy, cùng đó thực hiện chính sách cải cách tiền lương. 

Bên cạnh đó, theo phản ánh cán bộ, công chức, nhiều đơn vị có công việc nặng, quan trọng nhưng "lo thu nhập sẽ giảm khi chế độ tiền lương mới thực hiện". Hiện ngoài lương còn có các thu nhập khác, nhưng theo cải cách tiền lương thì sẽ chỉ còn lương. 

"Từ lâu chúng ta đã đổi mới, cải cách và tinh giản và đổi mới cải cách tiền lương theo hướng tăng lương thực tế. Nhưng tới đây có thể thu nhập của họ sẽ giảm. Tất nhiên có nhiều nguyên nhân, song đây là lo ngại thực tế của người lao động, chỗ này có thể liên quan do vị trí việc làm chưa ổn", ông Ba nêu băn khoăn.

       

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.