Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu quốc hội (ĐBQH) bày tỏ bức xúc về tình trạng vỡ quy hoạch sử dụng đất đai, gây lãng phí, thất thoát cho ngân sách suốt thời gian qua, và đề nghị Chính phủ cần phải làm rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương để xảy ra tình trạng trên.
''Trong báo cáo không thấy có quy hoạch quỹ đất dành cho giao thông, trong khi sân golf, cảng biển làm rất nhiều. Trách nhiệm là của địa phương, nhưng trách nhiệm lớn hơn là của các bộ, ngành vì cho phép đầu tư'' - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH - Nguyễn Đình Quyền |
Tràn lan đất làm khu công nghiệp
Theo các ĐBQH, hiện nay không chỉ có đất bỏ hoang, đất công nằm trong tay nhà nước sử dụng sai mục đích mà kể cả đất làm các khu công nghiệp (KCN) cũng rất hoang phí. ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho biết, Chính phủ đề nghị đến 2020 quy hoạch diện tích đất cho các KCN là 200.000 ha, con số này đủ khiến nhiều người giật mình. “Nếu quy hoạch diện tích nhiều như trên, trong khi đã có hàng triệu héc ta đất khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế mà theo ước tính phải mất 50 năm nữa mới được lấp đầy thì không hiểu vì sao cần thêm diện tích đất khổng lồ như vậy nữa để quy hoạch cho đất công nghiệp?”, ĐB Lịch băn khoăn. Ông đề nghị, Chính phủ cần làm rõ cho tới nay 70.000 ha diện tích quy hoạch làm KCN đã lấp được bao nhiêu, số diện tích cho KCN mỗi địa phương trung bình bao nhiêu? “Muốn quy hoạch 200.000 ha đất công nghiệp phải làm rõ dự kiến đến 2020 cần bao nhiêu tiền để đầu tư vào công nghiệp. Nếu không làm rõ vấn đề này sẽ dẫn tới tùy tiện mở rộng KCN và dẫn tới tình trạng quy hoạch treo”, ĐB Lịch nói.
|
ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng, trong 5 năm tới nếu tăng lên 150 nghìn ha là không khả thi. Quy hoạch treo dân rất sợ, dẫn tới sự lãng phí nghiêm trọng. Ông kiến nghị, đất còn lại nên phục vụ cho hạ tầng giao thông, đất phục vụ cho y tế, giáo dục.
Liên quan đến mục tiêu giữ lại 3,8 triệu ha đất trồng lúa, theo ĐB Trần Du Lịch, Chính phủ muốn giữ lại 3,8 triệu ha đất trồng lúa nhưng ông rất lo ngại trước việc trên giấy tờ là đất một lúa, hai lúa nhưng thực tế là biệt thự vườn. “Có tình trạng 5.000m2 đất thực sự là nhà vườn nhưng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi đất 1 lúa, 2 lúa hết. Ngay tại thành phố, người ta làm biệt thự rất đẹp 1.500m2, đất chuyển quyền sử dụng chỉ 200m2, còn lại ghi đất nông nghiệp để tránh thuế”, ĐB Lịch phản ánh. |
ĐB Bùi Thị An (Hà Nội), cũng nhất trí không nên tăng gấp đôi diện tích đất làm KCN, mà phải lấp đầy diện tích đang bỏ trống trước. Bởi theo báo cáo thẩm tra của QH, tỷ lệ lấp đầy tại các KCN hiện rất thấp, chỉ 45,63%, thế nhưng các địa phương thi nhau mở.
Trách nhiệm của ai, phải làm tới cùng
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội), nêu tình trạng cảng biển, sân bay nằm chết do quy hoạch bừa, mỗi nơi làm một kiểu dẫn tới lãng phí nguồn nhân lực và nguồn ngân sách. Ông “xoáy” vào trách nhiệm: “Tình trạng trên thể hiện lợi ích cục bộ của địa phương, của một nhóm người đã không đứng trên tổng thể của lợi ích quốc gia. Trong báo cáo không thấy có quy hoạch quỹ đất dành cho giao thông, trong khi sân golf, cảng biển làm rất nhiều. Trách nhiệm là của địa phương, nhưng trách nhiệm lớn hơn là của các bộ, ngành vì cho phép đầu tư. Đến khi lãng phí, khi vi phạm cũng không thấy ai rà soát để chịu trách nhiệm. Ở nước ngoài để cảng biển, sân bay cho cỏ mọc người làm quy hoạch, phê duyệt phải từ chức ngay”.
ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội), đề nghị Chính phủ phải làm rõ trách nhiệm của các cấp từ T.Ư xuống tỉnh, huyện, xã đã để lãng phí trong quy hoạch sử dụng đất. “Trách nhiệm của người đề xuất quy hoạch này đến đâu, cần làm rõ cho tới cùng chứ không thể để tình trạng khắc phục chắp vá, không bài bản kéo dài mãi như thời gian qua”, ĐB Hà bày tỏ.
Ban cơ yếu Chính phủ sẽ trực thuộc Bộ Quốc phòng Chiều 1.10, QH thảo luận về dự luật Cơ yếu tại hội trường. Theo báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) về nội dung dự luật, đa số ý kiến thảo luận trước đó về dự luật này đều nhất trí phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật chỉ điều chỉnh hoạt động cơ yếu là hoạt động cơ mật đặc biệt, thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia với đặc trưng là sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin bí mật của nhà nước. Ủy ban TVQH cũng tán thành với đề nghị của Chính phủ và đa số ĐBQH về việc chuyển Ban Cơ yếu Chính phủ từ Bộ Nội vụ sang trực thuộc Bộ Quốc phòng. Luật Cơ yếu dự kiến được QH thông qua tại kỳ họp này và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2012. Bảo Cầm |
Anh Vũ - Nguyệt Minh
Bình luận (0)