Nhằm góp phần lập lại trật tự đô thị và mỹ quan thành phố, UBND Q.1, TP.HCM vừa có chỉ đạo 'Quy hoạch khu bán hàng rong' tại trung tâm thành phố.
Dư luận đa phần rất ủng hộ nhưng còn nhiều điều cần tiên liệu để chủ trương này đạt hiệu quả khi triển khai.
Trước hết, cần khẳng định “Hàng rong là nét văn hóa đường phố đặc trưng bản địa”. Thiên hạ đều nghĩ như vậy. Hàng rong các nước cực kỳ phong phú. Từ muôn mặt ẩm thực đường phố bình dân cho đến các mặt hàng lưu niệm và các loại hình nghệ thuật dân gian...
Ai có dịp ra nước ngoài đều từng thưởng thức ẩm thực đường phố, mua hàng lưu niệm bán rong, xem nghệ sĩ đường phố hóa thân và biểu diễn từ cắt, vẽ, xăm, ảo thuật, nhân tượng, độc tấu, ca hát... Chưa ai có thể hình dung, nếu một ngày, hàng rong biến mất. Xã hội lập tức bị đảo lộn, du khách hụt hẫng, bởi đó là một phần tất yếu của cuộc sống.
Hàng rong thiên hạ nhiều khi cũng lập lờ chất lượng nhưng không chặt chém tàn nhẫn. Xã hội các nước văn minh nên mọi thứ họ đều lịch sự, từ hàng rong đến ăn xin. Bán vé số ở Thái Lan ngồi tại chỗ mời khách chứ không chèo kéo. Ăn xin ở châu Âu thì đeo bảng ghi nội dung trông đợi, đứng ngồi chỗ đông người, chứ không đeo bám. Bán hàng lưu niệm và ẩm thực tại các điểm du lịch ở Campuchia đều có khu vực riêng. Có khi chỉ là sợi dây mảnh làm ranh giới nhưng không ai dám lấn qua...
VN thì khác hẳn. Số lượng người bán hàng rong và cả ăn xin chưa nhiều bằng một số nước nhưng cách hành xử thì bê bối gấp mấy lần. Nhiều người bán hàng rong đeo bám, chèo kéo; không chỉ chặt chém mà còn tranh thủ móc túi, giật dọc nếu có điều kiện và thời cơ! Tự thân hàng rong và cả ăn xin không có lỗi. Lỗi là do thái độ, cả cấp quản lý lẫn người mưu sinh. Việc sắp xếp lại cho hợp lý, đáng lẽ phải làm từ rất lâu thì hàng rong đã không là vấn nạn nhức nhối của thành phố.
Người lao động nghèo mới “buôn thúng bán bưng”. Cuộc sống cả gia đình họ trông chờ vào đó, dù bấp bênh cũng đành cam chịu. Tôi tin chắc đa phần họ muốn làm ăn chân chính bằng công sức lao động của mình. Cấm đoán là vô tâm và không thể. Nhưng sắp xếp theo cách mà Q.1 đang làm sẽ gặp không ít khó khăn. Không nên dồn hàng rong vào vài khu cố định, kiểu chợ trời và quy định giờ một cách máy móc.
Nên đặt hàng rong ở chỗ nào có khách vãng lai và du lịch, chủ yếu là hàng lưu niệm, giải khát, ăn nhẹ. Có mua là có bán, không thể quy định giờ giấc. Ẩm thực thì mới cần khu riêng nhưng phải gần các trọng điểm du lịch. Các nước thường tận dụng một phần vỉa hè và hoạt động từ khoảng 16 - 24 giờ. Có khu bán cả đêm. Cái cần là chuẩn mực tối thiểu của người bán và cả người mua. Từ chất lượng, giá cả đến nói năng, vệ sinh, trật tự, đậu xe... và những biện pháp chế tài. Việc Q.1 quy định giờ bán từ 6 - 8 giờ và 11 - 13 giờ hình như chỉ để phục vụ nhân viên công sở không có thói quen ăn sáng ở nhà và mang theo cơm trưa đi làm như nhiều nước!
Chưa thể làm cả quận thì nên tập trung vài khu trước để rút kinh nghiệm. Chủ trương quy hoạch hàng rong phải lấy người dân và du khách làm chủ thể chứ không áp đặt chủ quan quản lý từ phòng lạnh. Những người bán hàng rong cũng mong muốn được góp sức làm đẹp thành phố, kéo khách du lịch đến như các nước đã làm. Tôi mơ về “Ngày hội của những gánh hàng rong”, góp sức với thành phố giành lại vị trí số 1 như mong ước và khát vọng của bao người.
Bình luận (0)