Quy hoạch làng xã là xa xỉ
Từ trước đến nay, quy hoạch nông thôn chỉ được thể hiện một cách mờ nhạt trong một số chương trình như Chương trình 135, cụm tuyến dân cư vượt lũ ở đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng các chương trình này chỉ tập trung ở một số vùng nhất định và quy hoạch được xem là "món phụ".
Một số tỉnh hiếm hoi như Bắc Ninh đã quan tâm đến quy hoạch nông thôn song cũng mới dừng lại ở quy hoạch thị tứ. Ngay cả Đông Anh - một huyện của Thủ đô Hà Nội - nhưng hiện nay gần như cả 23 xã đang "trắng" về quy hoạch chi tiết. Một số vùng được quy hoạch như Cổ Loa thì cũng thuộc dạng "ăn theo" quy hoạch tổng thể của thành phố. Ông Phạm Văn Trâm - Chủ tịch huyện Đông Anh tỏ ra rất bức xúc: "Việc quy hoạch cho các xã đang là đòi hỏi hết sức nóng bỏng, cấp bách".
TS-KTS Đặng Trường Thành - Viện Nghiên cứu Kiến trúc - Bộ Xây dựng thẳng thắn nhìn nhận: "Chúng ta đang bỏ quên quy hoạch nông thôn. Công tác quy hoạch đang dậm chân tại chỗ trong khi quá trình đô thị hoá lại đang "chạy" với tốc độ chóng mặt". Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là nhiều nhà quản lý địa phương đã thiếu hẳn một tầm nhìn chiến lược. Lối tư duy theo kiểu "nhiệm kỳ" đã khiến nhiều nhà lãnh đạo xem quy hoạch nông thôn là một cái gì đó "xa xỉ" ngốn rất nhiều ngân sách trong khi lại chưa thu hoạch kết quả cụ thể được ngay. "Đó là một biểu hiện của sự vô trách nhiệm".
GS-TS-KTS Nguyễn Bá Đang, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kiến trúc cho biết: Từ trước đến nay các chuyên gia làm công tác quy hoạch nông thôn rất ít khi nhận được đơn đặt hàng. Họ chỉ nhận được đơn đặt hàng khi có những công trình lớn như xây dựng khu tái định cư cho đồng bào nằm trong lòng hồ thuỷ điện. Còn những vùng nông thôn đã có từ bao đời nay như vùng đồng bằng Bắc Bộ thì rất ít khi quy hoạch "động" vào. Vì thế mới dẫn đến một nghịch lý, lẽ ra công trình phải chạy theo quy hoạch nhưng thực tế quy hoạch lại phải chạy theo công trình. Lẽ ra quy hoạch phải đi trước một bước, nhưng thực tế quy hoạch lại đi sau, thậm chí đang dẫm chân tại chỗ.
Ông Đàm Quang Tuấn - Giám đốc Trung tâm quy hoạch phát triển nông thôn - Bộ Xây dựng, cho rằng việc nông thôn đang "trắng" về quy hoạch có nguyên nhân từ vấn đề kinh phí. Ngân sách để cấp cho công tác quy hoạch khoảng 10 nghìn xã trong cả nước quá lớn, Nhà nước không kham nổi trong khi tiền phải dồn cho mảng quy hoạch đô thị đang "nóng" hơn. Mặc dù vấn đề quy hoạch nông thôn đã được đề cập trong văn kiện Đại hội 8, Đại hội 9 của Đảng, được Bộ Xây dựng đưa vào trong Luật Xây dựng nhưng chẳng biế, nông thôn còn "trắng" quy hoạch đến bao giờ.
Nông thôn cũng sẽ... tắc đường, kẹt xe !
So với các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực, nông thôn Việt Nam đã tụt hậu xa về mặt quy hoạch. Ông Đàm Quang Tuấn vừa đi công tác Đài Loan về cho hay từ Đài Bắc đến thành phố Trúc Lâm được nối bằng xa lộ, nhìn ra hai bên thấy nông thôn đã được đô thị hoá, không còn bóng dáng của làng mạc nữa. Nhưng sự đô thị hoá đó được quy hoạch đến từng chi tiết ít có sự bất hợp lý trong xây dựng và kiến trúc. Xu hướng đô thị hoá của các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan là phát triển dọc hai bên xa lộ, còn tại Việt Nam lại bám sát mặt đường. Người dân tự ý phá bỏ hành lang quốc lộ để mở hàng quán kinh doanh, gây khó khăn cho giao thông và kéo theo nhiều hệ lụy khác. Ông Nguyễn Việt Châu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kiến trúc cho rằng nông thôn đang "đòi" quy hoạch và quy hoạch cho nông thôn cũng là thực hiện công bằng xã hội. Tại sao đô thị được quy hoạch mà nông thôn lại bị "bỏ quên"? Theo ông Chân nếu chậm trễ trong vấn đề này, cái giá phải trả sẽ rất đắt.
Quá trình đô thị hoá đang diễn ra hết sức mạnh mẽ làm cho bộ mặt nông thôn thay đổi nhanh chóng. Nhiều bờ xôi ruộng mật bị các khu công nghiệp "nuốt chửng". Hiện tượng này đang trở nên phổ biến ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Đồng Nai, Bình Dương... Chẳng hạn, năm 2003, tổng diện tích đất chuyển đổi mục đích sử dụng sang phục vụ công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc là 2.034ha.
Theo TS - KTS Đặng Trường Thành, chỉ ít năm nữa thôi Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... sẽ được gọi là tỉnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, và công nghiệp là cơ sở để hình thành đô thị. Nhiều đô thị đã mọc lên ở những vùng thuần nông kéo theo sự biến đổi về cơ cấu dân số, lao động, phương thức sản xuất, lối sống văn hoá, không gian kiến trúc, kết cấu hạ tầng. Nhưng sự biến đổi đó thường diễn ra một cách tự phát, thiếu quy hoạch nên đã dẫn đến những vấn đề ngày càng trầm trọng. Trước đây, phương tiện giao thông "to" nhất đi trên đường làng là xe trâu, nhưng bây giờ lăn bánh trên đó là xe ô tô, xe công nông, xe máy... Đường vốn nhỏ hẹp chưa "sẵn sàng" cho cuộc đổ bộ của các phương tiện cơ giới nên dẫn đến tai nạn giao thông, bụi bặm...
Trước đây thời còn HTX nông nghiệp, dân hiến đất vườn để làm đường, bây giờ cơ chế thị trường, tâm lý tư hữu bung ra, dân thấy mình bị thiệt mới thu lại đất. Thế nên, con đường đang thẳng bỗng bị méo mó, dị dạng, trồi ra thụt vào. Đó là chuyện diễn ra ở huyện Đông Anh, nhưng nhà quản lý bất lực vì chỉ có thể giải quyết bằng cách vận động, chứ không có chế tài.
Các chuyên gia xây dựng dự báo, nếu công tác quy hoạch cứ trì trệ như hiện nay thì chỉ ít năm nữa nông thôn sẽ mắc phải căn bệnh nhức nhối của đô thị là... tắc đường kẹt xe. Vì thiếu quy hoạch nên khu công nghiệp được xây rất khang trang, hiện đại nhưng lại không có nhà cho công nhân. Dẫn đến việc nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào nhưng không thuê được công nhân như ở Đồng Nai. Cũng vì thiếu quy hoạch, xây nhà máy, khu công nghiệp ngay sát khu dân cư gây ra ô nhiễm môi trường... Các khu đô thị tự phát mọc lên, người ta đua nhau xây nhà, tạo nên một sự xô bồ, hỗn tạp về kiến trúc và đã có những câu chuyện cười ra nước mắt...
(Theo TP)
Bình luận (0)