Quy hoạch và thi tuyển

17/04/2014 02:38 GMT+7

Lâu nay, chúng ta đã quen với công tác quy hoạch cán bộ. Quy hoạch đảm bảo tính chủ động trong công tác nhân sự, hạn chế tình trạng “nước đến chân mới... đốt đuốc tìm người”. Nhưng không hiếm quy hoạch thành “quy hoạch treo”.

Quy hoạch cũng có thể thiếu khách quan, vì người được việc chưa hẳn đã được lòng; và ngược lại, người được lòng chưa chắc đã được việc. Cũng có trường hợp vừa quy hoạch xong đã “mất” luôn cán bộ vì người được đưa vào diện quy hoạch bỗng trở thành tâm điểm săm soi của một số đồng nghiệp đố kỵ hoặc bỗng trở nên quá rụt rè, thậm chí chỉ loay hoay đối nội, đối ngoại cho tròn trịa, không còn năng động, mạnh mẽ như khi được nhắm vào quy hoạch nữa. Ngược lại, cũng không ít trường hợp tìm được người thích hợp với vị trí cần bổ nhiệm nhưng không bổ nhiệm được chỉ vì nhân sự ấy chưa được đưa vào diện quy hoạch.

Những nhược điểm của biện pháp quy hoạch dường như đang được khắc phục bằng thi tuyển cán bộ. Từ 1, 2 năm gần đây, các bộ ngành, địa phương áp dụng biện pháp thi tuyển ngày càng nhiều: từ thi tuyển vào vị trí giám đốc sở, viện trưởng hay hiệu trưởng đại học cho đến vị trí tổng cục trưởng. Có bộ xem xét bổ nhiệm thứ trưởng tuy không gọi là thi tuyển nhưng các ứng viên cũng phải trình bày chương trình hành động trước một “hội đồng” là Ban Cán sự Đảng của Bộ.

Thi tuyển lãnh đạo là cách làm phù hợp với xu hướng công khai, minh bạch trong công tác cán bộ. Nhìn lại sự phát triển các hình thức tuyển chọn nhân lực ở nước ta càng thấy rõ sự thắng thế của xu hướng này và kết quả mà nó mang lại. Từ hàng chục năm nay, chúng ta đã quen với việc công khai điểm tuyển sinh đại học, tuyển nghiên cứu sinh đi học nước ngoài. Nhờ cách làm này mà chúng ta chọn được những thanh niên ưu tú để đào tạo cán bộ khoa học cho đất nước. Cũng đã từ lâu, chúng ta quen với việc các cơ quan, đơn vị thi tuyển công chức, viên chức; nhưng việc này cũng chỉ mới được thực hiện trên dưới 10 năm nay.

Đáng tiếc là bây giờ không phải ở đâu việc tuyển sinh, tuyển công chức, viên chức cũng đảm bảo đúng đắn, khách quan. Để khắc phục hạn chế này, giải pháp hữu hiệu nhất là công khai, minh bạch.

Công khai, minh bạch cũng là giải pháp đảm bảo thành công của việc thi tuyển lãnh đạo. Việc thi tuyển cần có sự chứng kiến, giám sát của quần chúng và hội đồng xét tuyển cần có sự tham gia của đại diện các tổ chức quần chúng.

Cũng không nên giới hạn thi tuyển ở một số chức danh mà nên mở rộng ra các chức danh lãnh đạo khác nhau. Nếu quan niệm Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn các chức danh lãnh đạo cũng là một hình thức thi tuyển lãnh đạo thì cần có số ứng viên cho mỗi vị trí nhiều hơn 1; các ứng viên cần trình bày chương trình hành động và trả lời một số câu hỏi của đại biểu trước khi Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Chọn được càng nhiều cán bộ lãnh đạo tốt thì đất nước mới phát triển.

Nguyễn Minh Thuyết

>> Có 4 hồ sơ thi tuyển Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN
>> Thi tuyển cán bộ quản lý trường học
>> Quảng Nam công bố kết quả thi tuyển 2 hiệu trưởng
>> Quảng Nam khởi động kỳ thi tuyển lãnh đạo trường đại học, cao đẳng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.