Cây lim gỗ cứng như thép nhưng lá lim rụng xuống suối nhả ra chất độc khiến không sinh vật gì sống được, bởi vậy nước suối rừng lim cứ trong vắt, cây cỏ phải ly tán dưới gốc nó. Gỗ lim bền chắc nhưng chỉ để làm cột, cánh cửa hoặc khung tủ, còn nếu làm giường, bàn ghế thì người tiếp xúc thường xuyên sẽ rất mệt mỏi vì trong gỗ nhả ra hơi độc.
Cây lúa cho hạt gạo nuôi sống con người nhưng thân lúa yếu đuối mềm như bún. Cây chuối cho quả ăn nhưng thân cũng yếu rợt. Ngay cả những loại cây ăn quả, hiếm có cây nào nuôi sống con người mà thân gỗ đắc dụng. Đó là sự chia sẻ, sự hy sinh tự nguyện cho cuộc sống phát triển. Những loài cây ngũ cốc, rau đậu… nuôi con người thường lớn nhanh cho kịp cuộc sống hối hả. Sự chia sẻ của cây cối với cuộc sống làm cho chúng ngắn vòng đời, tuy nhiên lại là giống loài tồn tại mãi với con người. Còn gỗ nhóm 1 nhóm 2 phải trăm năm mới thành, cây cao lừng lững, tán lá xum xuê nhưng chính nó chứ không phải loài nào khác dễ bị tuyệt diệt nhất.
Câu “người nào vật nào chỗ ấy” là do con người phát hiện từ thiên nhiên. Cuộc sống của rừng chứng minh điều đó. Cho nên từ vùng phù sa màu mỡ đến đất bạc đá ong luôn có cây xanh phủ bóng. Cây ưa nước thì tìm đến ven sông suối, cây chịu khô hạn thì ra chỗ cát sỏi, bạc màu. Không thể sống lộn. Nhầm chỗ là không tồn tại hoặc teo tóp dật dờ. Có gắng gượng tồn tại cũng không phát triển được.
Thiên nhiên công bằng hơn con người. Vì thói quen chiếm đoạt mà con người nghĩ ra lắm cách bòn rút thiên nhiên, bòn rút đồng loại. Nhưng nếu con người biết quan sát thiên nhiên, chịu học thiên nhiên, chắc sẽ biết sống nhân ái hơn, không còn cảnh nhầm chỗ và hoang tưởng để rồi chen lấn đồng loại. Dường như, đời một con người sống đến cả trăm tuổi cũng là quá ngắn so với thiên nhiên trường cửu, nên sự tham lam vơ váo có lẽ xuất phát từ đó.
Bởi thế mà trời mới cho con người một lần người lớn hai lần trẻ con để hiểu cuộc đời hơn.
Đỗ Đức
Bình luận (0)