Quy luật tự nhiên

14/03/2015 04:50 GMT+7

Từ bao đời, những dòng sông đã được hình thành qua các quá trình kiến tạo của tự nhiên và trở thành một trong những thành phần không thể thiếu được của chu kỳ tuần hoàn nước để mang mưa trở về biển cả. Không phải ngẫu nhiên mà sông đã gắn liền với lịch sử hình thành của những xã hội phồn vinh bậc nhất trong lịch sử.

Từ bao đời, những dòng sông đã được hình thành qua các quá trình kiến tạo của tự nhiên và trở thành một trong những thành phần không thể thiếu được của chu kỳ tuần hoàn nước để mang mưa trở về biển cả. Không phải ngẫu nhiên mà sông đã gắn liền với lịch sử hình thành của những xã hội phồn vinh bậc nhất trong lịch sử.

Sông không những cung cấp nước, thực phẩm mà còn là phương tiên vận tải tiện lợi cho con người. Sông không những đóng vai trò rất quan trọng trong hệ sinh thái, duy trì đa dạng sinh học để đảm bảo sự phát triển cân bằng của thế giới sinh vật mà còn là cảm hứng tạo nên những tác phẩm vĩ đại của nhân loại.
Không biết từ lúc nào, có lẽ là cùng với quá trình công nghiệp hóa, sông đã mất dần vai trò của mình. Các nhà máy dùng sông làm nơi xả thải một cách tiện lợi, cư dân đô thị và nông thôn tìm thấy nơi đổ rác và nông dân thì tìm cách tận thu tất cả những gì mà họ có thể làm được với dòng sông mà không hề nghĩ rằng sông cũng là một thực thể sống và cũng có thể, một ngày nào đó, chết đi.
Những dòng sông, con rạch ở đô thị ngày càng trở nên đáng ghét! Nước trở nên đen quánh, ngập rác, bốc mùi, không một sinh vật nào có thể sống được. Chúng đã trở nên một vật kỳ dị khó ưa và vô dụng trước mắt nhiều người.
Sông, kênh, rạch đô thị một khi không còn chức năng cấp nước, giao thông và cung cấp thực phẩm, còn chức năng thoát nước tự nhiên vẫn có thể được thay thế bằng cống bê tông vừa bền vững, vừa dễ quản lý lại không bốc mùi thì còn lý do gì để giữ lại những dòng sông, kênh, rạch đang chết ấy?
Trong những năm 1970, những dòng sông của Hàn Quốc đều trở nên đen ngòm và hôi thối. Báo cáo năm 2014 của Đại học Koblenz-Landau cho biết vẫn còn 14% trong số 4.000 vị trí quan trắc trên những dòng sông khắp châu Âu có chứa những hợp chất chết người. Một báo cáo khác của cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ cho biết chỉ có 21% các dòng sông trên nước Mỹ là an toàn về mặt sinh học.
Năm 2008, chính phủ Hàn Quốc đã phê chuẩn một dự án trị giá 18 tỉ USD để khôi phục lại bốn dòng sông chính. Năm 2012, chi phí để làm sạch các dòng sông ở Mỹ được ước tính lên đến hàng trăm tỉ USD. Ở TP.HCM, việc lấp rạch và thay thế bằng cống thoát nước đòi hỏi chi phí có thể lên đến hàng trăm tỉ đồng cho một cây số. Và có thể một ngày nào đó, thế hệ sau, khi hoài niệm về những hình ảnh quá khứ và ý thức được tầm quan trọng của hệ sinh thái, lại sẽ quyết định chi ra hàng đống tiền để khôi phục lại chính những dòng sông ấy.
Thiên nhiên khi tạo ra vật gì dù nhỏ hay lớn, cũng đều có quy luật riêng. Lấp bỏ sông rạch là việc làm đơn giản nhưng sự kiêu ngạo, tự mãn, coi thường các quy luật của tự nhiên đang và sẽ bắt chúng ta phải trả giá.
Những bài học về môi trường hình như không quá khó để có thể hiểu được. Tuy nhiên đối với tâm lý chung của con người, những lợi ích trước mắt luôn có ưu thế áp đảo so với hiểm họa ở tương lai. Và những dòng sông chỉ vỏn vẹn là một cái chung, thỉnh thoảng xuất hiện mờ nhạt so với hàng triệu cái riêng hằng ngày và rõ nét, ít nhất cho đến khi chúng lên tiếng phản ứng một cách rõ ràng và kiên quyết để đòi lại những gì vốn là của tự nhiên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.