Chết đi, sống lại
Quảng trường Lớn có diện tích 2 ha, xưa kia nguyên là một khu chợ và chỉ được định danh sau khi người ta xây xong Tòa đô chính theo kiến trúc Gothic vào đầu thế kỷ 15. Tòa đô chính có tháp cao gần 100m, trên đỉnh tháp là tượng thánh Michael - thánh bổn mạng của Brussels.
Đối diện với Tòa đô chính là Maison du Roi (Nhà của Vua). Mặc dù là Nhà của Vua nhưng theo sử sách thì chưa có một vị vua nào ngự ở đây cả, hiện nay là Bảo tàng thành phố. Các phố lân cận vẫn còn mang những cái tên nguyên thủy một thời kinh doanh mà thoạt nghe cũng mộc mạc na ná như 36 phố phường ở Hà Nội: phố hàng bơ, phố hàng than, phố hàng cá...
Quảng trường Lớn của Brusells từng trải qua những tháng ngày tang thương. Tháng 8.1695, dưới quyền chỉ huy của Thống chế Francois de Neufvill, 70.000 quân Pháp đã nã đại bác vào trung tâm thành phố liên tục trong 3 ngày, biến Quảng trường Lớn thành bình địa. Nhờ sự nỗ lực của các nghiệp đoàn, khu Quảng trường Lớn được xây dựng lại trong 4 năm sau đó với một bộ mặt đẹp, hài hòa cho dù chúng mang nhiều kiểu kiến trúc đối chọi nhau và tồn tại cho đến ngày nay.
Di sản thế giới
Quảng trường Lớn ở Brusells được tổ chức UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa thế giới vào năm 1998. Cũng như nhiều quảng trường ở các nước châu u khác, Quảng trường Lớn quả thật đẹp một cách kiêu sa với lối kiến trúc gợi cho du khách hồi tưởng đến bối cảnh sang trọng, quý phái trong những bộ phim trữ tình, vương giả. Quảng trường này còn nổi tiếng về “thảm hoa”, được trình diễn 2 năm một lần vào năm chẵn (như 2010 vừa rồi và sắp tới là 2012), khoảng tháng 8. Tấm thảm ấy được “góp mặt” bởi nửa triệu đóa hoa, tạo ra một “bức tranh hoa” rực rỡ hình chữ nhật có diện tích khoảng 2.000m2 nằm lọt thỏm giữa khuôn viên quảng trường.
Vào đầu xuân cho đến cuối thu (mùa du lịch cao điểm), Quảng trường Lớn trở nên nhộn nhịp, vui vẻ hẳn lên khi người ta tập trung kinh doanh nhiều mặt hàng phục vụ du khách. Bạn có thể mua hàng lưu niệm, một bức tranh hoặc vừa tắm nắng vừa ngồi nhâm nhi ly cà phê, cốc bia, thức ăn nhanh… trong tứ bề là các dãy nhà sang trọng với những cư dân bản địa lịch thiệp và thân thiện. Không một loại phương tiện di chuyển nào được phép chạy vào quảng trường, ngoại trừ xe công vụ, xe cảnh sát, xe cứu thương và cứu hỏa trong trường hợp khẩn cấp, vì tất cả không gian ấy đều dành cho khách bộ hành.
Vương quốc Bỉ nổi tiếng thế giới về chocolate, và khách thập phương có thể tìm thấy đủ loại ở các khu phố xung quanh Quảng trường Lớn để mang về làm quà. Có điều, giá sinh hoạt ở Brusells, cũng giống như những nước Tây u khác, không dễ chịu chút nào. Thế nhưng, khi đã một lần trong đời được đặt chân đến đây, đứng giữa Grand Place, bạn sẽ không hoài công và cũng chẳng còn để ý gì đến giá tour khá đắt, để chiêm ngưỡng một trong những kiệt tác về quy hoạch - kiến trúc của nhân loại đã tồn tại qua nhiều thế kỷ, ẩn chứa trong đó sự thâm trầm của bi thương và hãnh diện.
Đoàn Xuân Hải
Bình luận (0)